Người dân tái định cư xã Phù Lưu (Hàm Yên) trồng chanh tứ thì cho thu nhập cao.
Đến các bản tái định cư vào dịp này, có thể nhận thấy không khí vui tươi của một mùa xuân mới đang tràn ngập khắp nơi. Đối với đồng bào các dân tộc vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang, mỗi năm khi Tết đến, Xuân về là dịp để họ cùng nhau sum vầy bên gia đình, họ hàng. Ở đó, họ cùng nhau nghỉ ngơi, ôn lại những thành quả sau một năm lao động vất vả và cùng cầu chúc cho một năm mới tốt lành, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hơn năm cũ.
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, không khí gia đình ông Hoàng Văn Giàu, thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) trở nên tấp nập, đông vui hơn hẳn mọi năm, bởi anh em, bà con trong thôn cùng nhau đến gia đình ông Giàu để chúc mừng vừa hoàn thành ngôi nhà mới. Dù phải tất bật chuẩn bị mọi thứ để đón anh em, họ hàng đến chia vui nhưng ông Giàu vẫn không giấu được sự vui mừng khi niềm mong mỏi bấy lâu của gia đình giờ đã thành hiện thực. Ông Giàu phấn khởi bảo: Từ ngày chuyển về đây, nhờ biết cách làm ăn gia đình ông đã làm ngôi nhà mới khang trang, bề thế. Ông Giàu khoe: Căn nhà 2 tầng với với tổng diện tích sử dụng 250 m2, có nhà rộng rãi sạch đẹp, Tết này con cháu ông tha hồ bày biện trang hoàng cành đào, quất cảnh để đón xuân mới. Theo lời ông Hoàng Văn Giàu, trước đây ở bản cũ, gia đình ông chủ yếu trồng ngô và lúa nước, nên thu nhập thấp. Chuyển đến nơi ở mới, ông biết làm chè chất lượng cao, con cái đi làm công nhân mỗi tháng thu nhập cũng 7-8 triệu/tháng nên đời sống của gia đình khấm khá nhiều. Đặc biệt, ở đây giao thông đi lại thuận lợi, canh tác nông nghiệp không phải vất vả leo đồi núi như nơi ở cũ.
Đồng bào tái định cư thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) lưu giữ nghề dệt thổ cẩm phục vụ phát triển du lịch.
Sự trù phú trên những bản làng của xã Phù Lưu (Hàm Yên) cũng có công rất lớn của đồng bào tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Ông Hoàng Văn Biệt, một trong những hộ dân tái định cư về đất Mường cam này bảo, ngày đầu về đây, bà con ai cũng lo lắng vì nơi này cái gì cũng mới mẻ, điều kiện sản xuất lại khác nhiều quê cũ. Nhiều người lúc ấy còn muốn trở về quê cũ! Nhưng được Nhà nước đầu tư đường nhựa, bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, xây dựng công trình điện, nước sạch, trường học đến cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ dựng nhà; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Theo ông Biệt, bà con còn lạ lẫm với cây cam, cây chanh giờ thì đã làm chủ cả quy trình trồng cam, chanh VietGap, hữu cơ.
Đồng chí Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang cho biết: Thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho người dân tái định cư, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư: Công trình điện, đường, trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn...; giao đất ở, đất sản xuất cho hộ tái định cư; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho số hộ thuộc diện điều chỉnh, bổ sung; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống... Đến nay gần 1.800 hạng mục công trình đã được xây dựng, trong đó 1.060 công trình hạ tầng; gần 4.000 hộ đồng bào tái định cư được giao đất ở, đất sản xuất... Sự quan tâm của tỉnh, chính quyền địa phương, đặc biệt sự nỗ lực của người dân, một cuộc sống mới đủ đầy đã hiện hữu trong từng nếp nhà, bản làng. Một mùa xuân mới nữa lại về mang theo niềm tin, dự định cùng những ước vọng sung túc, thịnh vượng nơi quê mới tái định cư.
Gửi phản hồi
In bài viết