Trong những ngày vừa qua, những chiếc xe container cỡ lớn liên tục ra vào Công ty cổ phần Chè Sông Lô (Yên Sơn) đóng hàng chuyển về cảng Hải Phòng để xuất khẩu. Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc công ty phấn khởi cho biết, thời điểm tháng 4 - 5, lượng hàng xuất khẩu nhỏ giọt nhưng từ tháng 7 trở lại đây, hàng xuất kho liên tục, có ngày lên đến hàng chục tấn, anh em công nhân phân xưởng kho làm việc liên tục không có ngày nghỉ. Hiện tại công ty đã xuất khẩu 1.500 tấn chè đen thành phẩm, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường chủ yếu là các nước thuộc khu vực Trung Á, Đông Á, Nga...Ông Tú nhận định, từ nay đến cuối năm, các nước là thị trường truyền thống của công ty bước vào mùa lễ hội, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm đồ uống, trong đó có chè tăng rất cao. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và mục tiêu xuất khẩu 2.000 - 2.500 tấn chè của công ty nằm trong tầm tay.
Công nhân Công ty TNHH Seshin VN2 sản xuất hàng theo đơn của bạn hàng Hàn Quốc.
Cùng với sản phẩm chè, các sản phẩm dệt kim, may mặc cũng đang vào mùa. Tại các phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH Seshin VN2, Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) cũng đang hoạt động hết công suất để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu của đối tác. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cho biết, chỉ riêng trong quý II, III doanh nghiệp đã xuất khẩu được 4 triệu sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm xuất khẩu từ đầu năm đến nay lên 4,8 triệu sản phẩm, đạt 23,1 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Ngoài các mặt hàng có lợi thế, các mặt hàng vải bạt, tai nghe và một số sản phẩm khác thị trường xuất khẩu bắt đầu khởi sắc. Theo số liệu của Sở Công thương, tính đến giữa tháng 8, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 95,5 triệu USD, bằng 63,7% kế hoạch. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 như: chè tăng 317%, Antimony tăng 192,9%, bột Barit tăng 92,6%, đũa gỗ tăng 10,3%...
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng xuất khẩu, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các thị trường khu vực truyền thống như: Nga, Mỹ, Nhật mà đã có sự phát triển ở các thị trường mới ở khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và một số nước châu Âu... Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh chính là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo phân tích của Phòng Quản lý Thương mại - Xuất, nhập khẩu (Sở Công thương) hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong những tháng cuối năm. Bởi sau tác động xấu từ dịch bệnh Covid-19, kinh tế của nhiều quốc gia đã có sự phục hồi nên cần nguồn nguyên, nhiên liệu để sản xuất và từ nay đến cuối năm cũng là mùa của các lễ hội trên thế giới, nhu cầu mua sắm hàng hóa, tiêu dùng sẽ tăng rất cao. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có lợi thế của tỉnh như: chè, may mặc, đồ gỗ tiếp tục tăng trưởng.
Công nhân phân xưởng kho, Công ty cổ phần Chè Sông Lô (Yên Sơn) kiểm tra hàng trước khi xuất xưởng.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seshin VN2, Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) phấn khởi cho biết, công ty đã ký hợp đồng sản xuất hơn 3 triệu sản phẩm vào 2 thị trường Mỹ, Hàn Quốc đồng thời thực hiện đàm phán với 1 số đối tác khác. Ông Khánh tin, thị trường xuất khẩu từ nay đến cuối năm dần ấm lên, công ty không chỉ đạt kế hoạch xuất khẩu 8,5 triệu sản phẩm may mặc mà nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Xuất nhập khẩu (Sở Công thương) khẳng định, bên cạnh thị trường xuất khẩu ấm dần, Việt Nam cũng đã ký và thực hiện 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Với số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn, cộng với những ưu đãi về thuế quan sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng. Cũng theo bà Cúc, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu ngoài giữ vững thị trường truyền thống, cần phát triển thêm các thị trường tiềm năng, ít bị tác động các yếu tố chính trị để ổn định hoạt động sản xuất.
Gửi phản hồi
In bài viết