Trong chuyến công tác tại Nhật Bản cuối tháng 9 - 2022 mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh của Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Từ năm 1997 đến năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã đưa 884 lao động làm việc tại thị trường Nhật Bản. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn tiếp tục được hợp tác về phát triển nông, lâm nghiệp công nghệ cao, du lịch, xuất khẩu lao động. Chuyến thăm và công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác của tỉnh đã mở ra nhiều tiềm năng về xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản.
Tư vấn xuất khẩu lao động sang Nhật Bản cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 2005 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 1.340 lao động Tuyên Quang đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh. Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 492 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó có 320 người đi làm việc tại Nhật Bản, chiếm 65% số lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lao động đi làm việc tại Nhật Bản chủ yếu làm trong lĩnh vực cơ khí, xây dựng, lắp ráp, điều dưỡng, chế biến thực phẩm, điện tử, nông nghiệp…
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Yên Sơn có 40 động đi làm việc tại Nhật Bản. Huyện Yên Sơn đã tích cực liên kết, hợp tác với các đơn vị tư vấn, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu sang Nhật Bản để đưa người lao động sang Nhật Bản làm việc. Hàng năm, tỷ lệ người lao động đi làm việc tại Nhật Bản luôn chiếm trên 50% số lượng người đi làm việc tại nước ngoài. Người lao động khi hợp đồng xuất khẩu lao động tại Nhật Bản đã nhanh chóng ổn định cuộc sống, được tạo điều kiện học tiếng Nhật, đào tạo tay nghề để bắt tay ngay vào môi trường làm việc mới. Xã Phúc Ninh (Yên Sơn) hiện có 30 lao động đang làm việc tại Nhật Bản. Chỉ trong năm 2022, toàn xã có 8 lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Đồng chí Vũ Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, xã có lao động đã hai lần đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, đa số được tạo điều kiện thuận lợi, có thu nhập khá. Nhiều gia đình có con đi xuất khẩu tại Nhật Bản đã có tiền dư dả gửi về phụ giúp gia đình, cuộc sống từng bước ổn định hơn. Chị Nguyễn Thị Bình, thôn Khuôn Thống có con gái hiện đang làm nghề đóng gói thực phẩm cho một công ty chế biến, kinh doanh thực phẩm của Nhật Bản cho biết: “Con tôi đã đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản được 2 năm rồi. Công việc của cháu bên đó rất thuận lợi. Mỗi tháng, cháu gửi về nhà cho gia đình được 25 triệu đồng tiền Việt. Có nguồn thu từ cháu, gia đình tôi có của ăn của để, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”.
Huyện Sơn Dương hiện là địa phương có số lao động đi làm việc tại Nhật Bản những năm gần đây khá lớn. Chỉ trong hai năm 2021, 2022, huyện đã kết nối với Công ty CP thương mại dịch vụ Minh Thanh, Công ty CP đầu tư và cung ứng nhân lực Tràng An, Công ty CP tư vấn đầu tư VHC Jinzai Network, Công ty CP nhân lực Việt Nam - Nhật Bản và Công ty CP đầu tư du học và hợp tác quốc tế VTC1 tổ chức đưa 112 lao động sang Nhật Bản làm việc.
Công chức văn hóa - xã hội xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cung cấp thông tin thị trường lao động của Nhật Bản cho người dân.
Đồng chí Phan Thị Hương, công chức Văn hóa - Xã hội xã Ninh Lai (Sơn Dương) cho biết, trong năm 2022, toàn xã có 12 lao động đi xuất khẩu tại Nhật Bản. Qua khảo sát tại các gia đình có con đi làm việc tại Nhật Bản cho thấy, hầu hết các lao động được bố trí làm việc theo đúng hợp đồng lao động đã ký kết, được hỗ trợ nhiều điều kiện thuận lợi để yên tâm lao động. Do đó, các gia đình đều rất yên tâm và phấn khởi khi có con đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và có mong muốn được ký kết tiếp hợp đồng xuất khẩu lao động.
Em Diệp Thị Phượng, thôn Ninh Bình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản từ tháng 3 - 2022. Sang Nhật Bản, em được bố trí công việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử, công ty bố trí chỗ ăn ở vệ sinh, an toàn. Thời gian đầu, em được công ty hỗ trợ học tiếng Nhật, đào tạo tay nghề nên bắt nhịp khá nhanh với cuộc sống và công việc. Vài tháng nay, Phượng đã có thể gửi tiền hàng tháng về cho gia đình. Bà Ôn Thị Mai, mẹ của Phượng cho biết, bà rất yên tâm khi thấy điều kiện ăn ở và làm việc của con ở bên Nhật Bản thuận lợi như vậy. Bà luôn động viên con chấp hành tốt các nội quy làm việc và các điều khoản trong hợp đồng lao động đã ký kết.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Tuyên Quang phấn đấu đưa 1.700 lao động của tỉnh sang làm việc tại Nhật Bản. Chủ trương này cho thấy, Tuyên Quang đang liên kết hợp tác mạnh mẽ với Nhật Bản trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Bởi đây là thị trường lao động đang được xem là tốt nhất của lao động Việt Nam hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết