Chín tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so cùng kỳ năm ngoái.
Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế
Thông tin tại buổi họp báo ngày 5/10 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Kế hoạch cho biết, bất chấp khó khăn bủa vây của dịch bệnh, chín tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế - xã hội cả nước.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng quý III của ngành tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế (GDP cả nước +1,42%).
Nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh dịch Covid-19, vẫn bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.
"9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt hơn 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản chính đạt khoảng 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%", ông Việt cho hay.
Toàn cảnh họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 10/5.
Về nhập khẩu, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt hơn 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là bốn thị trường xuất khẩu chính của nông lâm thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm.
Ngoài những điểm sáng trên thì hoạt động hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại cũng gặt hái nhiều thành công. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác phía nam (Tổ công tác 970) và Tổ công tác phía bắc (Tổ công tác 3430).
Hai tổ công tác này đã chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX… thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16, đặc biệt tại 19 tỉnh Nam Bộ.
Đồng thời xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân khoảng 300 – 400 tấn nông sản/ngày, xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường. Đơn cử như cập nhật danh sách các doanh nghiệp của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm (cám gạo, tinh bột sắn, sắn khô).
Kiến nghị với Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu trở lại các mặt hàng hoa quả tươi đã được phép xuất khẩu chính ngạch đã được Trung Quốc cấp phép qua cửa khẩu Kim Thành, Vân Nam - Hà Khẩu, Lào Cai; thông báo cho các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội về khôi phục thông quan chuối, thanh long sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu, Lào Cai.
Thúc đẩy thương mại nông sản, mở cửa thị trường nông sản với các nước như Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Cộng hòa Czech… Đặc biệt là việc đàm phán, ký kết thỏa thuận khép lại vụ Điều tra 301 của Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp báo, thông tin việc Việt Nam - Hoa Kỳ khép lại vụ điều tra theo Mục 301 về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, điều tra này được tiến hành trong vòng một năm qua, đến ngày 1/10 vừa qua, chính thức được khép lại khi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Thỏa thuận này có 3 ý nghĩa lớn: Thứ nhất, đó là Hoa Kỳ không áp thuế với gỗ Việt Nam (đây là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam), điều này có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ hai, qua vụ việc này để thấy Việt Nam chia sẻ thông tin rất minh bạch cho Hoa Kỳ, thể hiện nền nông nghiệp có uy tín, trách nhiệm bền vững. "Trong thông cáo báo chí của Hoa Kỳ sau khi kết thúc vụ việc điều tra, họ lấy Việt Nam làm hình mẫu thỏa thuận thương mại bền vững trên toàn cầu", ông Tuấn cho biết.
Thứ ba, với thỏa thuận thương mại quốc tế trên sẽ giúp chuyển đổi ngành lâm nghiệp Việt Nam theo cách làm căn cơ, bài bản, theo đúng hướng bền vững, tăng trưởng nhanh.
Nói thêm về vụ việc lần này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 14,6 triệu ha đất rừng, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10 triệu ha. Vừa qua, Việt Nam đã cố gắng phát triển ngành lâm nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Chuyển đổi kinh tế trong lâm nghiệp thấy rõ, phấn đấu cả năm nay sẽ xuất khẩu lâm sản đạt 14,5 tỷ USD. "Kết quả tích cực từ vụ Điều tra 301 sẽ là động lực để ngành gỗ đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đa dạng thêm các sản phẩm để nâng cao giá trị", ông Phùng Đức Tiến nói.
Gửi phản hồi
In bài viết