Toàn tỉnh hiện có 472 đơn vị trường học từ bậc mầm non đến THPT. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các trường đều được đầu tư trang thiết bị thiết yếu phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Thời điểm dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, để triển khai hiệu quả công tác YTHĐ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế đã phối hợp chỉ đạo các đơn vị giáo dục, các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác nâng cao thể chất cho học sinh cũng như chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, đặc biệt chú trọng truyền thông giáo dục sức khỏe, giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, chống dịch.
Thực hiện hiệu quả công tác YTHĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mỗi năm học. Năm học này, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh có 548 học sinh, do đó cùng với chất lượng giảng dạy trường luôn chú trọng đến sức khỏe học sinh. Hàng ngày vào các giờ giải lao, bản tin truyền thông sức khỏe sẽ được phát trên loa truyền thanh nhà trường. Định kỳ hàng tháng, nhà trường đều tuyên truyền cho giáo viên, học sinh theo tình hình thời tiết, chủ động phòng chống các loại bệnh, dịch bệnh theo mùa.
Cán bộ y tế trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) kiểm tra nhiệt độ học sinh trước khi vào lớp.
Anh Nguyễn Tiến Minh, nhân viên y tế trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết, nhằm đảm bảo sức khỏe học sinh trước dịch bệnh, trước khi bước vào năm học mới, anh đã tham mưu cho Ban Giám hiệu phun khử trùng trong khuôn viên nhà trường và tại các lớp học. Trước khi nhập học, học sinh phải có kết quả test Covid-19 âm tính trong 24 giờ. Hàng ngày, anh đều kiểm tra sức khỏe của học sinh bằng việc đo thân nhiệt cho các em trước khi vào lớp để kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tại mỗi lớp học, ký túc xá học sinh và sảnh đều đặt nước rửa tay sát khuẩn; khăn và dụng cụ ăn uống riêng biệt để đảm bảo phòng dịch. Đặc thù là trường nội trú nên công việc quen thuộc nhất của anh là sơ cứu, chăm sóc ban đầu cho những em bị đau đầu, chóng mặt, hắt hơi sổ mũi hay bị chảy máu vì ngã khi chơi thể thao… Trong những trường hợp học sinh bị nặng, anh sẽ sơ cứu ban đầu và đưa các em tới bệnh viện nhanh nhất.
Khác với những năm học trước, năm học này do ảnh hưởng của dịch Covid -19, bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ, việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho giáo viên và học sinh cũng được trường Mầm non Tân Yên, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) chú trọng. để làm tốt nhiệm vụ trên, nhà trường đã giao cho nhân viên y tế chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch. Chị Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhân viên y tế tại trường không chỉ dừng lại ở việc sơ cứu ban đầu, mà còn chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học.
Đầu năm học, trẻ mầm non đến trường đều được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng. Từ đó, nhà trường điều chỉnh thực đơn hàng ngày sao cho phù hợp với mỗi nhóm trẻ. Nhà trường có sổ sách, hồ sơ lưu trữ tình trạng sức khỏe học sinh để giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế theo dõi. Trường đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành chương trình, kế hoạch giáo dục. Nhân viên y tế của trường kết hợp với giáo viên các lớp kiểm tra thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn cho các con 2 buổi/ngày (đón và trả trẻ). Tuy nhiên, việc cán bộ y tế là kiêm nhiệm gây khó khăn trong triển khai các hoạt động giáo dục sức khỏe, các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cán bộ YTHĐ chuyên trách của tỉnh còn thiếu, trình độ chuyên môn không đồng đều, giáo viên kiêm nhiệm thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng đến hoạt động của công tác này. Trong tổng số 472 trường học các cấp thì 100% các trường có phòng y tế, góc y tế nhưng chỉ có 27/472 trường có cán bộ y tế chuyên trách, số còn lại đang sử dụng cán bộ kiêm nhiệm. Mặt khác, nguồn kinh phí phục vụ công tác YTHĐ còn hạn hẹp, chủ yếu trích từ quỹ BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Một số đơn vị do thiếu các phòng chức năng nên phải bố trí phòng y tế ghép chung với phòng thư viện, phòng đoàn đội; nhiều nơi trang thiết bị y tế đã hư hỏng, hết hạn sử dụng…
Hiện nay, hầu hết các trường mầm non, tiểu học đều tổ chức cho học sinh ăn, nghỉ bán trú trưa tại trường nên việc giám sát sức khỏe của học sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng, đòi hỏi người phụ trách YTHĐ phải có chuyên môn y tế. Do đó, các trường cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ YTHĐ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết