Yên Sơn đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động

- Xác định công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động là giải pháp quan trọng để giảm nghèo nhanh và bền vững nên huyện Yên Sơn đã đặc biệt chú trọng đến công tác này. Các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội được mở ra đã thu hút người học, tạo ra những cơ hội mới giúp người lao động có việc làm, nâng cao thu nhập.

Quan tâm đào tạo nghề cho người lao động

Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Yên Sơn đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động. Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm.

UBND huyện Yên Sơn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện.

Đồng chí Đặng Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn cho biết, trước khi mở các lớp dạy nghề cho người lao động trung tâm đã phối hợp với các xã thị trấn để rà soát nhu cầu, các đối tượng học nghề để mở các lớp dạy nghề phù hợp, gắn với thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm đã đổi mới công tác tổ chức các lớp dạy nghề, các lớp được triển khai ngay tại thôn, trong đó tập trung vào các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số với các nghề như: điện, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc cây chè, chăn nuôi... Nhiều ngành nghề đào tạo đã được mở rộng, phù hợp với nhu cầu thị trường, từ đó giúp người dân có việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Việc tổ chức các lớp dạy nghề ngắn ngày phù hợp, hiệu quả đã giúp người lao động tại các xã, thị trấn trên địa bàn được trang bị kiến thức để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với nghề đã học để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu hiệu quả.

Người lao động làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang ở Cụm công nghiệp Thắng Quân.

Gia đình chị Trần Thị Thanh ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) sau khi được tham gia lớp chăn nuôi và trồng trọt đã phát triển mô hình nuôi lợn thịt và trồng bưởi Diễn. Năm 2024 vườn bưởi của gia đình chị cho thu hoạch mang lại một nguồn thu không nhỏ. Chị Thanh vui mừng cho biết, đã có thương lái đặt mua toàn bộ vườn bưởi với giá hơn 50 triệu nhưng gia đình chị chưa muốn bán. Nhờ phát triển mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả đã giúp gia đình chị vươn lên thoát nghèo, mua được xe ô tô để làm dịch vụ vận tải và nuôi các con đi học đầy đủ.

Có việc làm ổn định, thoát nghèo nhanh chóng

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Sơn, thực hiện Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn, trong năm 2024 huyện có kế hoạch mở mở 19 lớp đào tạo nghề cho trên 600 người lao động với kinh phí trên 1,4 tỷ đồng. Các đơn vị được ký kết, giao đào tạo nghề là Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức đã giúp nâng cao trình độ, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Người lao động huyện Yên Sơn tìm hiểu thông tin về việc làm và xuất khẩu lao động tại một phiên giao dịch việc làm trên địa bàn huyện.

Cùng với việc quan tâm đến công tác đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, huyện Yên Sơn còn triển khai hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, gắn đào tạo nghề với tư vấn, giới thiệu việc làm. Để tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, huyện Yên Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư tin cậy để thu hút nhà đầu tư trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện hiện có Cụm Công nghiệp Thắng Quân đang dần được lấp đầy qua đó đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Tân Long (Yên Sơn) cho biết, sau khi cụm công nghiệp Thắng Quân đi vào hoạt động chị đã đăng ký xin vào làm việc tại một nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Hiện nay với mức thu nhập trung bình trên 7 triệu đồng/ tháng đã giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của gia đình chị so với chỉ đơn thuần là trồng lúa trước đây. Chị và nhiều lao động nông thôn rất vui mừng khi trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên giúp người lao động như chị có nhiều cơ hội về việc làm.

Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề, đặc biệt đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nghèo, gắn đào tạo nghề cho lao động với giải quyết việc làm đã giúp người lao động trên địa bàn nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2022-2025 giảm bình quân 3-4%/năm.   

Lớp đào tạo sữa chữa máy nông nghiệp tại xã Quý Quân.

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, huyện Yên Sơn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thực hiện. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về giáo dục nghề nghiệp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn nghề nghiệp theo quy định; chú trọng việc đào tạo có địa chỉ, gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp; tổ chức mô hình đào tạo kết hợp với sản xuất tại doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp; bố trí tuyển dụng nguồn lao động có tay nghề cao, bảo đảm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động…

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục