Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Sơn, bà Trần Thị Bình Phước cho biết: Từ năm 2011-2021, huyện đã tổ chức bình xét 2.327 lượt người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, UBND huyện đều thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và tình hình kinh tế, xã hội của địa phương cho người có uy tín thông qua các hội nghị của xã, của huyện. 100% người có uy tín trên địa bàn huyện đều được nghe thông tin, tuyên truyền, được cấp các loại ấn phẩm báo chí theo quy định như: Báo Tuyên Quang, Báo Dân tộc - Phát triển. Hiện nay, toàn huyện có 194 người uy tín, trong đó 173 nam, 21 nữ, 93 người là đảng viên.
Bí thư Chi bộ, người có uy tín Giàng Seo Mua (thứ 2 từ trái sang), thôn Vàng On, xã Trung Minh phổ biến pháp luật
tới bà con trong thôn. Ảnh: Trang Tâm
Huyện đã thực hiện tốt chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín, như tổ chức tặng quà Tết nguyên Đán cho người có uy tín, tổ chức thăm, động viên gia đình người có uy tín khi ốm đau, qua đời. Giai đoạn 2014-2019, huyện đã lựa chọn được 20 đại biểu là người uy tín tiêu biểu đi tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm đối với đồng bào dân tộc ở các tỉnh bạn. Huyện đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo… Năm 2021, Phòng Dân tộc của huyện đã tổ chức được 4 hội nghị tuyên truyền chính sách dân tộc, thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội cho 155 đại biểu là người uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn các xã, phục vụ công tác tuyên truyền cho nhân dân trong khu vực.
Ngòi Khù là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Đạo Viện, giao thông đi lại khó khăn. Thôn có 35 hộ, 140 nhân khẩu, trong đó 97% là dân tộc Mông. Là người có uy tín lâu năm của thôn, Bí thư Chi bộ Giàng Thị Chía luôn sâu sát, nắm chắc tình hình tư tưởng của nhân dân trên địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Bằng ngôn ngữ Mông, bà đã vận động đồng bào Mông trong khu vực hạn chế di cư tự do, trở về địa phương yên tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống, sinh hoạt. Bà triển khai cho đồng bào ký cam kết không sử dụng, tàng trữ các loại pháo nổ và vũ khí tự chế; phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội của huyện, tuyên truyền đấu tranh chống thành lập Vương quốc Mông… Do đó, Ngòi Khù đã trở thành điểm sáng về an ninh trật tự khi trong thôn không có ai vi phạm pháp luật, không tệ nạn xã hội, không có đơn thư vượt cấp…
Anh Giàng Seo Mua, sinh năm 1986, dân tộc Mông, là Bí thư Chi bộ thôn Vàng On, một thôn vùng sâu, vùng xa hiện nay còn chưa có điện lưới quốc gia của xã Trung Minh. Là người trẻ, nhưng anh đã có nhiều năm phát huy tốt vai trò người có uy tín trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thôn. Anh thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào Mông, Dao tự giác chấp hành pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, vận động đồng bào tích cực tham gia vào các công việc chung của cộng đồng. Anh bảo, là người Mông, nên mình hiểu đồng bào mình. Những gì người dân tâm tư thì phải chủ động tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu, cùng người dân tìm cách tháo gỡ. Khi người dân chưa ngủ thì mình chưa được ngủ. Mình có hết lòng trong từng việc nhỏ nhất, khó nhất thì lòng dân mới thuận, dân mới tin, mới theo… Năm 2021, Bí thư Chi bộ thôn Vàng On Giàng Seo Mua đã xuất sắc đạt giải Nhất của Đảng bộ xã Trung Minh, giải Nhì cụm thi số 2 của huyện Yên Sơn tại Hội thi tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người Mông, anh Mua trăn trở: đời sống người Mông, Dao ở Vàng On còn nghèo lắm, mình hy vọng một ngày gần nhất, điện sẽ bừng sáng ở Vàng On. Vàng On sẽ khai thác, phát huy được mọi vẻ đẹp, lợi thế từ rừng để phát triển du lịch “homestay”. Du khách sẽ đến Vàng On bởi tiếng khèn Mông quyến rũ, bởi nét đẹp văn hóa của người Dao qua điệu hát Páo Dung, cùng đến để khám phá ngôi nhà trình tường độc đáo của người Mông, thưởng thức các món ăn đặc sản do tự tay người Mông, Dao chế biến…
Những đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Yên Sơn hôm nay có vai trò to lớn của những “tấm gương sống” ấy. Họ không chỉ thể hiện rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Quan trọng hơn, họ đã giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là nhịp cầu nối hiệu quả, mang tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với cấp ủy, chính quyền, là điểm tựa tin cậy trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, tôn giáo tín ngưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Gửi phản hồi
In bài viết