Yêu cầu mới về cải cách thể chế kinh tế, tăng năng suất lao động

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã có các nghiên cứu chuyên sâu về lộ trình tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 và nhiệm vụ thúc đẩy quá trình cơ cấu lại kinh tế thông qua những giải pháp phát triển thị trường lao động.

Công nhân Công ty TNHH Tiến Lợi (Khu công nghiệp Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất tôn.

Phục hồi kinh tế song hành với cải cách thể chế

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, kết quả tăng trưởng kinh tế của năm 2020 và quý I-2021 một lần nữa khẳng định công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ có những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, kiên định với “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đó là điều hành chủ động, bài bản gắn với việc cập nhật tình hình dịch bệnh và đánh giá các kịch bản tăng trưởng, qua đó, giữ được dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai và không ngừng tạo dựng thêm không gian cho hoạt động kinh tế mới. Các cải cách về môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tiếp tục có sự liền mạch với các năm trước, nhận được đồng thuận cao của cộng đồng, DN và người dân. Về phía DN cũng có sự thích ứng cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới. 

Tại báo cáo này, CIEM đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 dựa trên ba kịch bản tương ứng với các giải pháp điều hành. Cụ thể, ở kịch bản với giải pháp bình thường như hiện nay, CIEM dự báo tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2021-2023 đạt 6,35%/năm; ở kịch bản nới lỏng tài khoá và tiền tệ, GDP trung bình đạt 6,69% và ở kịch bản nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt 6,76%/năm. “Như vậy, nếu Chính phủ chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn nhưng đi kèm với đó là áp lực lạm phát lớn hơn. Trong khi đó, nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021 - 2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Từ các kịch bản này, CIEM khuyến cáo: Mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, song Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế trong tương lai. Quá trình phục hồi kinh tế cần phải song hành với cải cách thể chế kinh tế. Nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết, đồng thời không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. CIEM cũng đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023. Đó là tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; từ năm 2022, kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế, sau đó rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng để tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023. 

Ưu tiên giải pháp tăng năng suất lao động

Một trong những chính sách ưu tiên khác được CIEM khuyến cáo đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới là ban hành chính sách và bố trí nguồn lực cần thiết để tập trung cải thiện và phát triển thị trường lao động, qua đó tăng năng suất lao động (NSLĐ), thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) cho biết, thị trường lao động Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều dịch chuyển tích cực. Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và bảo đảm hơn; từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao hơn. Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động về  bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động tham gia BHXH và BHTN tự nguyện đã tăng nhiều so với trước. Tuy nhiên, thị trường lao động của Việt Nam vẫn bộc lộ không ít bất cập. Đó là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường. Nhìn chung, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. 

Với thực tế này, sẽ rất khó khăn trong thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng và các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Giai đoạn tới, bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, về tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động. Để làm được mục tiêu đó, cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, NSLĐ cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế, trong đó có nguồn lực lao động. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương cho người lao động cần được xem xét điều chỉnh đồng thời với phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, BHXH cho người lao động để thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập, hướng tới mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục