Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập và phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, cùng với cả nước, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực chuyển đổi số, đặc biệt, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48 về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 càng cho thấy vai trò của chuyển đổi số đối với sự vận hành của nền kinh tế - xã hội, đời sống của đông đảo người dân. Các nền tảng công nghệ số đã đi vào cuộc sống cộng đồng, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, làm cho cuộc sống của người dân chuyển đổi mạnh mẽ.
Tuy vậy, chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn có những bất cập trên cả bình diện chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thực tế người dân vẫn phải chờ đợi rất lâu để có được chữ ký của cán bộ có thẩm quyền. Đặc biệt, trong một số lĩnh vực, nhất là liên quan đến đất đai có quá nhiều khâu, bước phải kiểm tra, kiểm duyệt trực tiếp của cán bộ có thẩm quyền. Vậy nên, không ít người dân làm thủ tục về đất đai vẫn phải chờ đợi khá lâu, thậm chí còn phải nhờ sự tác động từ các mối quan hệ mới nhận được một tấm sổ bìa đỏ. Nếu các khâu này đều được số hóa, minh bạch hóa thì sẽ thuận lợi cho người dân rất nhiều.
Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã có nhiều cố gắng chuyển đổi số nhưng còn không ít bất cập về hệ thống hóa văn bản, chứng từ. Trong giao dịch rất nhỏ tại một công ty kinh doanh ô tô trên địa bàn thành phố, khách hàng phải ký rất nhiều các loại giấy tờ, trong khi đó những loại giấy tờ mang tính chứng từ này hoàn toàn có thể số hóa. Rồi, một người bệnh phải nhập viện phải có đủ các loại giấy tờ, từ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế; nếu điều trị ngoại trú thì mỗi lần nhập viện lại làm lại thủ tục như ban đầu...
Từ thực trạng trên, vấn đề đặt ra là cần phát huy vai trò, trách nhiệm, đổi mới tư duy của cán bộ có thẩm quyền, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Đây là yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số. Bởi, trên nền tảng công nghệ số các thủ tục, đơn giá đều minh bạch, bình đẳng khiến nhiều người vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm cố tình làm chậm quá trình chuyển đổi số. Những vấn đề nội tại này cần được người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, giải quyết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Gửi phản hồi
In bài viết