Hoạ sĩ Lê Trang.
Mùa xuân năm 2022, ở độ tuổi U40, doanh nhân Lê Thị Thùy Trang, người từng nắm giữ các vị trí quan trọng trong nhiều tập đoàn và tập đoàn quốc tế lớn, đặt cây cọ đầu tiên lên toan vẽ. Dưới ảnh hưởng của danh họa Claude Monet – một trong những bậc thầy sáng lập trường phái ấn tượng – cô vẽ, tựa như một biểu hiện của tinh thần khám phá triệt để những khả năng vốn có của bản thân, như để tìm lại những mảnh ghép của giấc mơ thời thơ ấu.
Ba năm sau, Trang trở thành nữ họa sĩ đương đại duy nhất của Việt Nam được mời vén màn hai bức tranh “Dreamy Lady” (tạm dịch Quý cô mơ mộng, 2023), “The Garden of Love” (tạm dịch Khu vườn tình yêu, 2024) tại triển lãm quốc tế ART COLLECTIVE: From the One to the Many (tạm dịch Nghệ thuật tập thể: từ một đến nhiều) trong khuôn khổ London Design Festival tổ chức ở Bảo tàng Nghệ thuật London Saatchi Gallery (17/9-19/9), một trong 3 bảo tàng hàng đầu của Vương quốc Anh, cùng với Tate Modern và Học viện Nghệ thuật Hoàng gia.
Với 90 tác phẩm của 50 họa sĩ đến từ 16 quốc gia, triển lãm thu hút các nhà tư tưởng, nhà thực hành, và giáo dục nổi tiếng của nhiều quốc gia, từ đó mang đến một lễ hội sáng tạo quy mô lớn.
Chỉ nửa tháng sau, từ ngày 5-9/10, bức Home on the Pond (tạm dịch Tổ ấm trên ao, 2023) thuộc bộ sưu tập HOME được vén màn tại triển lãm Let Us Hear HER VOICE (Hãy để chúng tôi lắng nghe tiếng nói của cô ấy) của nhà tổ chức Isolart Gallery, Florence, Italia. Bức Home on the Pond cũng sẽ tham gia một sự kiện khác là triển lãm INSIDE (tạm dịch Bên trong) do Hiệp hội Nghệ thuật Đương đại Ý thực hiện nhân Ngày Nghệ thuật Đương đại Ý lần thứ 20 (12/10-18/10).
“Việc được tham gia ba triển lãm quốc tế tại các thủ đô nghệ thuật của thế giới là London và Florence đã đem lại cho tôi niềm tin sâu sắc về vai trò của nghệ thuật trong xã hội. Ở những thành phố này, bảo tàng không chỉ là điểm thu hút du khách mà còn là không gian quan trọng, nơi cả người dân địa phương và khách tham quan cùng nhau chiêm nghiệm, học hỏi. Đất nước Việt Nam của chúng ta cũng có tiềm năng to lớn để nuôi dưỡng sự trân trọng tương tự đối với nghệ thuật và lịch sử. Chúng ta có một di sản văn hóa phong phú, một lịch sử kiên cường và sáng tạo, và rất nhiều điều để chia sẻ với thế giới và với các thế hệ trẻ. Các bảo tàng cũng như các điểm đến nghệ thuật của chúng ta có thể trở thành những trung tâm văn hóa sôi động, không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn là không gian hấp dẫn để kết nối, giáo dục và truyền cảm hứng”, họa sĩ Lê Trang chia sẻ với Báo Nhân Dân.
Mang theo tâm huyết đó trở về Việt Nam, họa sĩ Lê Trang bắt tay vào triển khai dự án đầu tiên: triển lãm cá nhân “Trang và Tranh”. Tâm huyết lớn nhất của cô là góp phần tạo ra một điểm đến văn hóa vào dịp cuối tuần, nơi cộng đồng có thể tìm thấy “niềm tự hào chung về lịch sử và sự tò mò chung về tương lai”.
“Trang và Tranh” trưng bày 21 tác phẩm thuộc bốn bộ sưu tập MOTHERHOOD, HOME, STILL LIFE và HUE HERITAGE (tạm dịch: Làm mẹ, Tổ ấm, Tĩnh vật, Di sản Huế) do họa sĩ Lê Trang sáng tác liên tục trong vòng 3 năm (2022-2024).
Ngoài trưng bày tranh nghệ thuật, đây còn là triển lãm trải nghiệm nghệ thuật tương tác đa giác quan ấn tượng.
Từ Saatchi London & Isolart Florence đến Park Hyatt Saigon là hành trình tìm về giấc mơ, hiện thực hóa giấc mơ của một người phụ nữ, một người mẹ. Mong muốn của họa sĩ Lê Trang, ngoài việc thúc đẩy tình yêu nghệ thuật và tình yêu với các di sản của đất nước, còn là để khích lệ các bạn trẻ khác, nhất là nữ giới, niềm tin vào bản thân, vào khả năng hiện thực hóa giấc mơ của bản thân.
Gửi phản hồi
In bài viết