Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự và chỉ đạo giải; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương các tỉnh, thành phố có đông đồng bào Khmer cùng tham dự.
Theo Ban Tổ chức, giải đua lần này, có 54 đội ghe ngo đăng ký tham gia đến từ các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và chủ nhà Sóc Trăng; trong đó, có 9 đội ghe ngo nữ (Sóc Trăng 3 đội nữ) và 45 đội ghe ngo nam (Sóc Trăng 37 đội nam).
Các đội ghe thi đấu vòng bảng có 5 đội, chọn 3 đội ghe nhất, nhì, ba và 1 vé bốc thăm thứ tư; còn những bảng có 4 đội, thì chọn thêm đội đứng thứ ba (vé bốc thăm) vào vòng 32 đội. Ở nội dung nữ chia làm 3 bảng, mỗi bảng 3 đội ghe, thi đấu chọn 3 đội nhất, nhì và thứ ba (vé bốc thăm) để vào vòng thi đấu kế tiếp.
Cơ cấu giải thưởng, ghe ngo nam tranh tài cự ly 1.200m, đội vô địch sẽ được trao cup và tiền thưởng 200 triệu đồng, giải nhì 150 triệu đồng, giải ba 100 triệu đồng và giải tư 80 triệu đồng. Đối với ghe ngo nữ thi đấu cự ly 1.000m, đội vô địch sẽ nhận được cúp và tiền thưởng 150 triệu đồng, giải nhì 100 triệu đồng, giải ba 80 triệu đồng, giải tư 50 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn hỗ trợ cho mỗi đội tham dự lễ hội với số tiền 20 triệu đồng.
Giải đua ghe ngo - Lễ hội Oóc Om Bóc năm nay trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII-2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Ngày hội thu hút hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng là người Khmer các tỉnh Nam Bộ thi diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống.
Tham gia Ngày hội, người dân và du khách thập phương sẽ được cảm nhận và trải nghiệm những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian Răm-vông, saravan, múa trống Sadăm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê say đắm lòng người, cùng thưởng thức âm thanh riêng có của nhạc cụ ngũ âm - được mệnh danh là biểu tượng của không gian văn hóa, là tiếng lòng của người dân Khmer Nam Bộ với thần linh, với thiên nhiên và con người.
Du khách còn được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục rực rỡ qua sự trình diễn của các nghệ nhân người Khmer, được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng qua sự thể hiện khéo léo, tài hoa của nghệ nhân đến từ 12 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ.
Dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao quyết định xác lập Kỷ lục “Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất”. Giải đua ghe ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần V-2022 sẽ vào vòng chung kết trao giải vào chiều mai, 8/11.
Gửi phản hồi
In bài viết