Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Quang Thái
Nợ khó thu chiếm 16,7%
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, tổng nợ tính đến ngày 30-9-2024 ước tăng 20,9% so với thời điểm cuối năm 2023, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện, tổng số tiền thuế nợ ước tính tăng 25,6% so với thời điểm ngày 31-12-2023, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, nợ có khả năng thu chiếm tỷ lệ 55,6% (nợ thuế, phí chiếm 31,3%; nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chiếm 24,3%); tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền phạt chậm nộp có khả năng thu chiếm 16,8%; tiền thuế nợ đang xử lý chiếm 4%; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện chiếm 7% và nợ khó thu chiếm 16,7%.
Về kết quả thu hồi nợ thuế, lũy kế 9 tháng của năm 2024, số nợ đã thu là 56.092 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó cưỡng chế thu nợ là 3.684 tỷ đồng. 39/63 địa phương có số thu nợ 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó 18 địa phương có số thu nợ tăng trên 50%.
Lý giải về số nợ thuế tăng khá mạnh, Tổng cục Thuế cho hay, nguyên nhân một phần do phát sinh tiền chậm nộp (tính bằng 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế). Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi, nên chưa nộp kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước; trong khi nhiều khoản quyết toán thuế thu nhập năm 2023, thuế được gia hạn đã đến thời hạn phải nộp. Tương tự, nhiều khoản tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chậm nộp do chủ đầu tư gặp vướng mắc về thủ tục khiến dự án chưa thể triển khai; khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường vốn ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản...
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, không thể loại trừ nguyên nhân doanh nghiệp cố tình chây ỳ, có doanh thu, có dòng tiền nhưng không chịu nộp ngân sách. Tính đến tháng 9-2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, người đại diện doanh nghiệp nợ thuế (số nợ là 50.665 tỷ đồng). Kết quả thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế, trong đó có 820 người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh.
Cán bộ Cục Thuế thành phố Hà Nội giải đáp trực tuyến vướng mắc về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, quyết toán thuế thu nhập cá nhân và thủ tục hành chính thuế. Ảnh: Đỗ Tâm
Tập trung xử lý nợ tiền sử dụng đất, thuê đất
Trong bối cảnh nợ thuế tăng khi chỉ còn gần 3 tháng nữa là hết năm 2024, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện 11 biện pháp để thu hồi nợ thuế. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh thông tin, Tổng cục đã yêu cầu giao nhiệm vụ và gắn trách nhiệm thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế từ lãnh đạo cục, lãnh đạo phòng, chi cục đến từng công chức. Từng đơn vị theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để bảo đảm chỉ tiêu thu nợ và hạn chế phát sinh thêm nợ mới.
Đối với cá nhân, tổ chức có khoản tiền thuế nợ trong thời hạn, bộ phận thanh tra - kiểm tra kiểm soát dữ liệu và đôn đốc nộp tiền thuế nợ vào ngân sách. Đối với khoản tiền thuế nợ đã quá hạn 30 ngày, cơ quan thuế ban hành thông báo tiền thuế nợ gửi người nộp thuế. Đối với khoản thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế liên hệ với người nộp thuế để nhắc nhở và cảnh báo việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi khoản nợ quá 90 ngày. Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá hạn đang bị cưỡng chế hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Căn cứ tình hình thực tế, ngành Thuế sẽ tập trung xử lý các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tới. Theo đó, ngành Thuế đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về diện tích, giá đất, điều chỉnh quy hoạch, khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng… để sớm thu hồi các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, thu hồi mỏ, xử lý miễn, giảm… làm căn cứ để cơ quan thuế thông báo nghĩa vụ tài chính và đôn đốc người nộp thuế nộp ngân sách nhà nước. Đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, ngành Thuế kiến nghị thu hồi đất theo quy định.
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn, cần đẩy mạnh hơn việc hỗ trợ doanh nghiệp. "Với doanh nghiệp phục hồi, hoạt động tốt, có doanh thu thì vận động doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ thuế. Đặc biệt, cần tăng mức xử phạt đối với những trường hợp cố tình chây ỳ nợ thuế nhằm bảo đảm tính răn đe", ông Nguyễn Minh Phong nêu.
Tính đến tháng 9-2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng, trong đó có 12.449 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 7.826 tỷ đồng. Kết quả, thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh, trong đó có 820 người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền là 53 tỷ đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết