Dù sản xuất đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) vẫn mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn của Agribank Tuyên Quang. Ông Luận tính toán, Agribank Tuyên Quang thực hiện chương trình giảm lãi suất đối với tất cả các gói vay ngắn hạn, trung và dài hạn là cơ hội để ông tranh thủ vay vốn đầu tư sản xuất. Được biết, nguồn vốn vay ông Luận dành để đầu tư đường ống, mở rộng diện tích tưới ẩm cho chè nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi. Ông Luận tin, dịch bệnh Covid-19 đã kiểm soát, lưu thông hàng hóa trở lại bình thường, hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã sẽ ổn định trở lại, ông sẽ sớm hoàn trả vốn vay.
Cán bộ Agribank Tuyên Quang kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Hợp tác xã Chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên).
Nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank Tuyên Quang đang mang lại sức sống cho Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa). Chị Phạm Thị Hồng, đại diện hợp tác xã cho biết, dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra những gánh nặng về tài chính cho hợp tác xã. Sự đồng hành chia sẻ của Agribank Tuyên Quang trong việc hỗ trợ giảm lãi suất vay đã tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hợp tác xã đã được Agribank giải ngân 1,4 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Dương Tuấn Phương, Phó trưởng phòng Dịch vụ và Maketing, Agribank Tuyên Quang cho biết, thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Agribank Việt Nam, Agribank Tuyên Quang đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 (gồm pháp nhân và cá nhân).
Tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch được áp dụng với khách hàng là giảm hoặc không tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa (bao gồm cả người trực tiếp sản xuất và đơn vị kinh doanh thương mại, xuất khẩu), thiếu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất (bao gồm cả đơn vị xuất khẩu, kinh doanh thương mại và người trực tiếp sản xuất), sụt giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ trong các lĩnh vực; ngừng, giảm quy mô sản xuất do thiếu lao động bao gồm cả chuyên gia, người quản lý; khách hàng cá nhân bị nhiễm dịch, tạm dừng hoặc mất việc làm do ảnh hưởng Covid -19 kéo dài...
Hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh, cũng như bảo toàn và nâng cao hiệu quả vốn vay, Agribank Tuyên Quang đã giảm 10% so với lãi suất cho vay đối với tất cả các món vay của khách hàng (Chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết ngày 31-12-2021).
Agribank Tuyên Quang cũng đã nghiên cứu vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách trong giải ngân gói tín dụng 100.000 tỷ đồng do Agribank triển khai hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 để khắc phục, ổn định sản xuất kinh doanh. Trong cho vay, Agribank Tuyên Quang đã ưu tiên, khoản vay có tài sản bảo đảm, khách hàng không thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm nhiều hơn.
Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách tín dụng hỗ trợ của Nhà nước, vai trò “bà đỡ” của Agribank Tuyên Quang đã được thực hiện. Đến ngày 30-9, đã có trên 34.400 lượt khách hàng còn dư nợ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Agribank Tuyên Quang với số dư nợ 6.500 tỷ đồng.
Agribank Tuyên Quang cũng đã miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước; giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng từ ngày 15-7; miễn 100% phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp nội địa; giảm 10% lãi suất thẻ tín dụng (còn 11,7%) từ kỳ sao kê tháng 8 trở đi; giảm 5% phí rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng khác...
Để khách hàng nắm bắt được thông tin về các gói tín dụng ưu đãi và tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, Agribank Tuyên Quang tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông đến khách hàng, công bố công khai các cơ chế chính sách hỗ trợ, mức lãi suất cho vay các đối tượng khách hàng... trên các phương tiện truyền thông và niêm yết tại các điểm giao dịch của Agribank trên địa bàn. Với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, Agribank Tuyên Quang luôn đảm bảo hoạt động giao dịch thông suốt, an toàn, hiệu quả. Tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ Agribank Tuyên Quang đạt hơn 8.600 tỷ đồng; nợ xấu ở mức an toàn. Agribank Tuyên Quang mong muốn đồng hành với tỉnh, khách hàng thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết