Những năm trước, tại các xã vùng cao của huyện Lâm Bình hàng Việt rất ít, chiếm không quá 40%, nhưng từ khi Mặt trận Tổ quốc phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng nhận thấy dùng hàng Việt an toàn, chất lượng hơn, giá cả phù hợp nên những mặt hàng được sản xuất trong nước thu hút sự quan tâm và được lựa chọn nhiều hơn. Những sản phẩm mang thương hiệu Việt như: sữa Vinamilk, nước mắm Nam Ngư, đồ nhựa Song Long... với chất lượng hàng hóa đảm bảo, có in rõ ràng thời hạn sử dụng, ngày sản xuất là sự lựa chọn hàng đầu của bà con. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa tại thị trấn Lăng Can cho biết, hàng nhập về chủ yếu là hàng Việt Nam, vì giá cả phù hợp với số đông người tiêu dùng trên địa bàn huyện. Thêm nữa, chất lượng cũng như bao bì của các loại sản phẩm do Việt Nam sản xuất cũng rất đảm bảo, đẹp mắt không thua kém hàng ngoại nên hàng Việt bán khá chạy.
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huyện Lâm Bình tích cực, chủ động khuyến khích các cơ sở kinh doanh đưa các mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước về vùng cao. Tại các xã, các cửa hàng tạp hóa chủ yếu bán các mặt hàng được sản xuất trong nước từ gói mỳ chính, chai nước mắm đến thùng mỳ tôm... cũng chủ yếu mang thương hiệu Việt. Cùng với đó, hàng năm huyện phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức các đợt đưa hàng về vùng cao phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Huyện tạo điều kiện để các hộ trên địa bàn mở cửa hàng, quầy hàng kinh doanh, phát triển dịch vụ, thương mại.
Chị Hà Thị Nhung (bên phải), thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) giới thiệu sản phẩm Việt cho khách hàng lựa chọn.
Theo thống kê, đến nay huyện Lâm Bình có trên 350 hộ kinh doanh lớn, nhỏ, phân bố khá đều ở các xã. Đây chính là kênh đưa hàng Việt về nông thôn vùng sâu, vùng xa hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, huyện Lâm Bình còn chỉ đạo các phòng ban liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại, phân phối lưu thông hàng hóa trên địa bàn, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa. Chị Hà Thị Nhung, thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập cho biết, từ khi nhà nước đầu tư đường nhựa lên trung tâm xã, hàng hóa lưu thông thuận tiện nên gia đình mở rộng kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, đồ gia dụng hướng đến các mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Chị Nhung chia sẻ “Trước thì cứ hàng rẻ là dễ bán, nhưng bây giờ người dân hỏi kỹ lắm. Hàng không rõ nguồn gốc là họ không mua đâu”.
Năm 2020, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã phối hợp với các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên tổ chức 4 hội chợ hàng Việt có sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với 20 - 30 gian hàng. Mặt hàng là các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân vùng cao như các loại nông cụ, đồ gia dụng, các loại hàng dệt may, nhu yếu phẩm và thực phẩm gồm mắm, muối, đường, sữa, bột giặt... 100% là hàng Việt.
Ngoài việc tham gia bán hàng phục vụ người dân, các doanh nghiệp còn kết hợp tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác mở rộng mạng lưới phân phối, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, kết nối cộng đồng các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Huyện Chiêm Hóa sớm nắm bắt và triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bà Đặng Thị Mai, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, để giúp người dân có thể tiếp cận và tin tưởng vào các sản phẩm Việt, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng, đủ cuộc vận động. Thông qua tuyên truyền, tổ chức các hội chợ, triển lãm người dân đã tiếp cận được dễ dàng các sản phẩm sản xuất trong nước. Trong đó UBND huyện đã tổ chức hội chợ quê luân phiên các xã tại các xã. Ngoài bày bán hàng Việt các phiên chợ còn là nơi giới thiệu các sản phẩm của địa phương như thịt trâu, bánh gai, hàng mây tre đan, bún khô... Hiện nay trên địa bàn huyện hàng Việt Nam đang chiếm trên 70% thị phần, đa dạng về sản phẩm, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo.
Ngoài đẩy mạnh vận động người dân sử dụng hàng Việt, những năm gần đây tỉnh đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chỉ trong 2 năm thực hiện toàn tỉnh đã có 79 sản phẩm OCOP gắn 3 - 4 sao. Cùng với đó các cửa hàng chuyên bán các sản phẩm OCOP đang được mở tại các huyện là những địa chỉ tin cậy để người dân đến mua sắm.
Để duy trì thói quen mua sắm “hàng nội” của người dân, ngoài cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh cũng đã phát động phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang”. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm địa phương, khuyến khích liên kết đầu tư với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để hàng Việt vững vàng chiếm lĩnh mọi thị trường.
Gửi phản hồi
In bài viết