Đủ chiêu thức lừa
Ngày 2-12, vợ chồng ông N.N.T. thường trú tại huyện Hàm Yên nhận được cuộc gọi từ số máy lạ yêu cầu mở tài khoản, đăng ký ngân hàng điện tử tại 1 ngân hàng khác mang đúng tên mình và chuyển tiền vào đó để chứng minh tài sản không liên quan đến vi phạm pháp luật, nếu không bị bắt đi tù. Ông N.N.T. sợ làm theo hướng dẫn và cung cấp các thông tin bảo mật, mã OTP cho đối tượng thì toàn bộ tài khoản là hơn 1 tỷ đồng lập tức bị chuyển đi và không thể truy vết được dòng tiền.
Ngày 4-12, cũng tại Agribank Hàm Yên tiếp nhận thông tin khách hàng T.V.T, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) về việc khách hàng tham gia 1 cuộc trò chuyện qua ứng dụng telegram với người lạ. Theo đó, anh T.V.T. được hướng dẫn chuyển tiền để được cấp quyền đăng nhập sử dụng app nói chuyện trên mạng xã hội. Tin rằng chuyển tiền sẽ được cấp quyền đăng nhập vào ứng dụng trò chuyện, khách hàng T.V.T. làm theo.
Từ số tiền chuyển ban đầu trên 100 nghìn đồng vào số tài khoản 100071974 mang tên Mai Hoàng Phong, tại ngân hàng EXIMBANK đến khi chuyển số tiền 1 triệu thì được thông báo lỗi treo. Và để lấy lại số tiền 1 triệu trước đó, khách hàng T.V.T. phải nộp tiếp 5 triệu đồng. Tiếp tục giao dịch 5 triệu lại bị lỗi, đối tượng yêu cầu khách hàng T.V.T. phải tiếp tục nộp thêm để hoàn lại số tiền đã nộp.
Một người dân đã được nhân viên ngân hàng Agribank hỗ trợ bảo vệ tài sản khỏi 1 vụ lừa đảo.
Nghĩ rằng nộp vào để lấy lại số tiền đang tạm bị treo, khách hàng T.V.T. tiếp tục thực hiện các giao dịch cho đến khi số tiền yêu cầu chuyển lên đến 360 triệu đồng. Rất may, phát hiện dấu hiệu bất thường, Agribank Hàm Yên phối hợp với Công an huyện Hàm Yên phân tích, tư vấn, ngăn chặn thành công không cho khách hàng chuyển số tiền 360 triệu đi cho người lạ.
Tiếp đến ngày 6-12, chị LYLY - người dân trên địa bàn thành phố Tuyên Quang cũng phản ánh, chị tham gia vào cuộc trò chuyện qua ứng dụng, 1 người trong hội nhóm tư vấn hướng dẫn để làm các nhiệm vụ xem quảng cáo trên mạng xã hội với với mỗi lần xem được từ 20 đến 40 nghìn đồng/nhiệm vụ.
Tiếp đó chị được tư vấn vào một nhóm telegram làm nhiệm vụ khác với số tiền hoa hồng nhận được cao hơn từ 100 đến 200 nghìn đồng/nhiệm vụ. Nhận thấy có thể tranh thủ làm trong khoảng thời gian rỗi rãi chị LYLY đã tham gia và được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiền để mua hàng hóa theo hướng dẫn và chị đã làm thử 1 nhiệm vụ, ngay sau đó đã được nhận ngay số tiền gốc và số tiền hoa hồng tương ứng.
Đến nhiệm vụ 2 khi số tiền thực hiện mua là trên 2 triệu đồng thì được báo là giao dịch bị treo nên chưa hoàn thành, phải thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo trước để lấy lại tiền và hoa hồng đang bị treo. Vì tiếc số tiền gốc đã chuyển trên 2 triệu chị LYLY đi vay nóng nộp vào tài khoản 0000233597 mang tên Hoàng Văn Tinh, tại ngân hàng Kienlongbank từ 5 triệu, tiếp đến 15, 30 triệu, nhưng cứ đóng tiền vào thì vẫn bị báo lỗi. Lúc này chị LYLY mới nhận ra điều không bình thường và liên hệ ngân hàng để nhờ hỗ trợ thì mới biết mình đã bị lừa.
Ông Dương Tuấn Phương, Phó Trưởng phòng Dịch vụ - Maketing, Agribank Tuyên Quang cho biết, thời gian trước các đối tượng sử dụng các chiêu trò làm quen qua mạng xã hội gửi quà, tiền mặt đồ, ngoại tệ có giá trị cao từ nước ngoài gửi về bị Hải quan sân bay tạm giữ, làm nhiệm vụ qua telegram, viber… để chiếm đoạt tiền, đặc biệt là hình thức gọi điện đến tự xưng là cơ quan công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao... để dọa nạt đã được Agribank cảnh báo, hạn chế thì nay lại xuất hiện những cách thức mới.
Các đối tượng gọi điện thông là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng yêu cầu tích hợp thông tin nhà đất, giấy phép lái xe... vào VinID; là nhân viên tư vấn chứng khoán có tên tuổi để mời người dân tham gia các hội nhóm, các khóa học, giới thiệu các cơ hội đầu tư sinh lời cao để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Tỉnh táo, cảnh giác
Thượng tá, Đào Trung Dũng, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khẳng định, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các nền tảng công nghệ đang có xu hướng gia tăng. Bằng các chiêu thức rất tinh vi như: tham gia hội nhóm, tặng quà, trúng thưởng, tri ân khách hàng,... Các đối tượng dẫn dắt người dân vào các tổ, nhóm, hội trên mạng xã hội với lời quảng cáo đường mật, đầu tư sinh lời cao, kinh doanh không cần mặt bằng... Khi người dân tin tưởng, hợp tác chúng sẽ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thậm chí có đối tượng còn manh động giả danh lực lượng chức năng dọa nạt, gây sức ép đối với các tổ chức, cá nhân thông qua việc chuyển tiền vào một tài khoản được cho tài khoản của các cơ quan chức năng để chứng minh nguồn tiền trong sạch để chiếm đoạt. 11 tháng của năm 2023, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 14 vụ với 15 bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao.
Hiện nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đang tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, các đơn vị quản lý dịch vụ mạng, đặc biệt là hệ thống ngân hàng… đẩy mạnh tuyên truyền, gửi thông tin đến điện thoại cá nhân về thủ đoạn của tội phạm để người dân cảnh giác, phòng ngừa. Cơ quan công an đề nghị người dân không sử dụng các phần mềm, không nhấp vào đường link khi không rõ nguồn gốc, không tham gia các giao dịch ảo; thận trọng với các cuộc gọi từ người lạ và nghe tư vấn về dịch vụ tài chính…
Ông Dương Tuấn Phương, Phó trưởng phòng Dịch vụ - Maketting Agribank Tuyên Quang chia sẻ thêm, từ đầu năm đến nay các phòng giao dịch của Agribank Tuyên Quang đã hỗ trợ ngăn chặn 16 giao dịch, bảo vệ hơn 3 tỷ đồng cho khách hàng khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo.
Ông Phương khuyến cáo để đảm bảo an toàn tài chính, người dân, khách hàng cần nêu cao ý thức bảo mật tất cả các thông tin như: căn cước công dân, số tài khoản, mật khẩu OTP; thận trọng khi thực hiện các giao trên không gian mạng đặc biệt là với người lạ. Trong trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, phải thông báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp điều tra, xử lý.
Gửi phản hồi
In bài viết