Lung linh sắc màu đêm khai mạc.
Đến dự, có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các đoàn khách quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã ngành hàng lúa gạo và đông đảo người dân địa phương.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành.
Do đó, xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới luôn là mục tiêu chiến lược, là sự cam kết của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Theo đó, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật phù hợp, đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm tri thức bản địa, với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện, để hướng tới những cánh đồng “phát thải thấp”.
Nơi mà ở đó, con nước xuống lên, độ phì của đất, được thấu hiểu và trân trọng; giá trị truyền thống “thuận tự nhiên” tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối; mỗi vuông lúa nhỏ cũng được kết nối đến thị trường, bằng giải pháp định vị, truy xuất nguồn gốc tiên tiến và trở nên thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ qua điểm cầu trực tiếp tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm có những thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức. Có thể nói, đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam cơ bản ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách được kiểm soát tốt. Nhất là thu đủ chi, xuất đủ nhập và đặc biệt xuất khẩu gạo có thể đạt được khoảng 8 triệu tấn trong năm 2023, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, góp phần bảo đảman ninh lương thực thế giới.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo năm 2023 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm nay của Việt Nam.
Việt Nam cũng là nước đầu tiên xây dựng, triển khai 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu, xây dựng nền nông nghiệp phát thải thấp.
Trong khuôn khổ festival còn diễn ra các hội nghị, hội thảo về đối thoại chính sách Việt Nam-châu Phi: Hợp tác Nam-Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực; phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; tình hình lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong thời gian tới; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lúa gạo…
Các hoạt động tại Festival sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, công nghệ mới, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Từ đó, tạo những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp yêu cầu của xu thế quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết