Hoàng Thùy Linh được đánh giá cao nhờ lựa chọn phong cách kết hợp chất dân tộc với đương đại.
Biết đàn bầu qua... Jazz
Mỗi lần biểu diễn là như sống bằng tất cả năng lượng hiện có, Vinh Khuất (tên thật Khuất Duy Vinh) là cái tên khiến người xem phải ấn tượng ngay từ cái nhìn, phút nghe đầu tiên. Anh là ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc người Đức gốc Việt, được khán giả trong nước biết đến sau lần biểu diễn solo tại Gala Sao Mai năm 2019 với bài hát "Quá lâu", do anh tự sáng tác và phối khí. Và, khi tìm hiểu về Vinh Khuất mới thấy chàng trai này thực sự đặc biệt. Vinh đã tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Hannover với hai chuyên ngành là hát và sáng tác nhạc Jazz, đồng thời sở hữu nhiều giải thưởng âm nhạc ấn tượng tại cuộc thi Giọng ca vàng tổ chức tại Đức, giải Nhất cuộc thi Made in Schauburg - tổ chức 3 năm một lần ở Đức, giải Nhất cuộc thi âm nhạc Boss Loop Station Word Championship của ba nước Đức, Áo, Thụy Sĩ...
Vinh chơi nhạc theo phong cách "one man band", một mình anh làm tất cả việc của một ban nhạc như phối khí, chơi piano, saxophone, đàn tranh, đàn bầu, beatbox, hát và đọc rap trong lúc biểu diễn những bài hát tự sáng tác. Các sản phẩm được anh sáng tác bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Việt. Lựa chọn phong cách âm nhạc hết sức sôi động, song hầu hết các ca khúc của Vinh đều mang âm điệu của nhạc truyền thống Việt Nam, đó là sự hòa trộn của nhạc Jazz, Rock, Reggae và nhạc dân tộc Việt Nam. Chính điều này góp phần tạo nên sự đặc biệt trong âm nhạc của Vinh Khuất. Khuất Vinh chia sẻ, khi anh đưa tác phẩm lên mạng cho bạn bè nghe, nhiều bạn hỏi sao âm thanh lạ thế, đó là lần đầu họ được biết đến đàn bầu, đàn nhị... qua sáng tác của Vinh.
Anh cũng cho biết thêm: “Vinh tiếp xúc với âm nhạc dân tộc từ khoảng năm 2010 - 2011, rất tò mò vì khác nhạc phương Tây. Rồi Vinh tự học nhạc trên YouTube. Vinh vô cùng thích cây đàn bầu, không có nhạc cụ nào trên thế giới chỉ có một dây mà chơi được bao nhiêu nốt như thế. Vinh học đàn bầu, sau đó là đàn tranh, đàn tam thập lục, k’lông pút, đàn tính, đàn nhị. Vinh học và phối với nhạc mới do Vinh sáng tác, thành style của Vinh luôn. Nhạc của Vinh giống con người Vinh, sinh ra ở Việt Nam nhưng lại lớn lên ở Đức. Dùng nhạc cụ dân tộc với Vinh giống như mang con người Vinh, quê hương Vinh ra giới thiệu với bạn bè trên thế giới”.
Lan tỏa bằng những sáng tác hiện đại
Khuất Vinh chỉ là một ví dụ cho thấy các nghệ sĩ trẻ đang góp phần đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới, tạo nên màu sắc riêng cho âm nhạc của mình bằng chính chất dân tộc. Đó tuy không phải là những tác phẩm “đậm đặc” chất dân tộc, những buổi biểu diễn có tính chất giới thiệu văn hóa ra nước ngoài một cách bài bản, nhưng lại có khả năng tạo “trend”, kích thích người nghe tò mò tìm hiểu.
Khuất Vinh gây ấn tượng khi đưa nhạc dân tộc vào sáng tác sôi động của mình.
Ngoài Khuất Vinh, có thể kể đến khá nhiều gương mặt trẻ trong nước thành công với cách làm này, đã đưa nhạc cụ dân tộc hòa cùng thanh âm hiện đại, mang đến màu sắc mới mẻ, thu hút giới trẻ. Chẳng hạn như các MV gần đây của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân: “Nước chảy hoa trôi”, “Tự tâm”, “Tấu khúc tự tâm” (bản dành riêng để tôn vinh nhạc cụ dân tộc)... đều được đánh giá là thành công nhờ sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, tranh, sáo trúc trong những bản phối "bắt tai". Hay các sản phẩm âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương... cũng tạo được dấu ấn với việc đưa chất liệu dân gian vào nhạc phẩm. Đáng nói, một số MV đã đạt triệu view, thậm chí được khán giả nước ngoài yêu thích. Từ sự yêu thích này, họ bắt đầu biết đến âm nhạc Việt Nam, bắt đầu tìm hiểu nhạc cụ dân tộc Việt...
Là người say mê âm nhạc dân tộc, dành cả chục năm trời để học và nghiên cứu âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ, ca sĩ Ngô Hồng Quang luôn tìm tòi để đưa âm nhạc dân tộc đến với khán giả trẻ và ra thế giới. Anh từng chia sẻ: “Mỗi lần đưa những tác phẩm hoặc chất liệu âm nhạc của Việt Nam vào một không gian âm nhạc mới như Jazz, world music, hoặc nhạc đương đại phương Tây, tôi thấy mình như được hồi sinh. Âm nhạc Việt Nam lại có cơ hội được chia sẻ với những nền văn hóa khác”.
Đường khó cần “ngựa hay”
Tuy nhiên, việc khiến khán giả trẻ, hay xa hơn là khán giả quốc tế biết đến, yêu thích nhạc dân tộc truyền thống thông qua sự kết hợp với âm nhạc đương đại là một con đường còn nhiều khó khăn. Theo nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, chơi âm nhạc truyền thống như nguyên bản đã khó khăn, chơi được và đưa vào không gian mới còn khó khăn hơn nữa. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng từng bày tỏ quan điểm: “Âm nhạc dân tộc không dễ thu hút giới trẻ, vì sự khác biệt về không gian, thời gian, thời đại sống. Để tạo sự mới lạ và khác biệt cho tác phẩm của mình, nhiều ca sĩ trẻ đưa nhạc cụ dân tộc vào. Cách làm này đã có từ lâu. Tuy nhiên, hiệu quả của nó không lớn nếu muốn truyền bá âm nhạc dân tộc với tầm vóc lớn hơn”.
Dẫu vậy, theo nhiều nhạc sĩ, đây vẫn là con đường cần phải đi bởi mỗi thời đại luôn có sự thay đổi, nhưng dù đi đâu thì con người vẫn sẽ quay về giá trị truyền thống. Đó là những giá trị luôn cần bảo tồn và phát huy. “Tương lai văn hóa thế giới sẽ không có biên giới, khoảng cách sẽ thu hẹp dần, con người sống thoải mái hơn, tự do sáng tạo hơn. Tính bản địa đương nhiên là có, nhưng bản địa của mình sẽ sống cùng bản địa khác chứ không phải sống độc lập, đó là câu chuyện con người chúng ta sẽ trở thành một cộng đồng chung trong tương lai. Điều mà tôi nhấn mạnh là sự kết nối, bằng nhiều hình thức. Kết nối sẽ mở ra nhiều cơ hội lan tỏa âm nhạc của mình thay vì đóng cửa. Chúng ta không nên bảo thủ và cực đoan, vì mọi thứ đều chuyển động và mình cũng phải chuyển động, cần lắng nghe xem thế giới thế nào để cùng hòa vào dòng chảy đó” - nhạc sĩ Ngô Hồng Quang bày tỏ quan điểm.
Việc các nghệ sĩ trẻ đang khẳng định mình với khán giả trẻ ở không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường âm nhạc trên thế giới đã chứng tỏ tính hiệu quả của hướng đi này. Đó là điều rất cần được ghi nhận, động viên.
Gửi phản hồi
In bài viết