Muôn cách vươn lên
Như thường lệ, hơn 5 giờ sáng là chị Hoàng Thị Thủy, dân tộc Tày ở thôn 9, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) lại thức dậy để chuẩn bị đi làm tại Khu công nghiệp Long Bình An. Đến nay, chị đã làm công nhân may được hơn 10 năm với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng. Chồng chị Thủy là anh Hoàng Văn Hữu đi làm thợ xây, tổng thu nhập của 2 vợ chồng mỗi tháng cũng được trên chục triệu đồng. Anh Hữu tâm sự, cuộc sống giờ ấm no, hạnh phúc hơn hồi mới chuyển về tái định cư nhiều lần.
Hồi ấy, mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm cấp đất, hỗ trợ nhiều mặt nhưng tìm được cái nghề phù hợp mới là quan trọng nhất bởi cái nghề như chiếc “cần câu cơm”. Trước ở trên rừng muốn ăn lên núi tìm măng, xuống sông đánh cá nhưng về xuôi đất đai có hạn nếu mình không năng đi tìm nghề, tìm việc là đói. Lại còn phải lo cho con cái nữa thế nên 2 vợ chồng đèo nhau đi tìm việc, cũng may ở thành phố không thiếu việc gì, vợ chọn nghề may còn mình chọn thợ xây. Thế mà chịu khó cũng nuôi được các con ăn học đầy đủ, xây được căn nhà kiên cố ấm cúng để ở thay thế nhà gỗ đã cũ hỏng trước kia.
Khác với anh Hữu, gia đình anh Nguyễn Văn Thuật và chị Bế Thị Yến ở thôn 22, xã Kim Phú lại chọn nghề làm mỳ để khởi nghiệp nơi quê mới. Ban đầu anh chị làm mỳ bằng phương pháp thủ công nên số lượng và chất lượng chưa được ưng ý. Vợ chồng anh “tay nải” về tận Bắc Giang - nơi có sản phẩm mỳ Chũ nổi tiếng để học cách làm khô theo hướng công nghiệp. Chặng đường “tầm sư học đạo” thành công, anh chị về quê mở xưởng sản xuất quy mô lớn.
Người dân tái định cư thôn Xá Thị, xã Đà Vị (Na Hang) phát triển mô hình kinh doanh tổng hợp đem lại thu nhập cao.
Nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu sạch từ loại gạo ngon được trồng ở cánh đồng Kim Phú mênh mông nên các sản phẩm mỳ của gia đình anh Thuật đã chinh phục người tiêu dùng và có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang... Đến nay, doanh thu của cơ sở đạt hàng tỷ đồng mỗi năm, là sản phẩm được chọn xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở sản xuất mỳ gạo Thuật Yến còn tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Chị Bế Thị Yến chia sẻ, ngày trước ở quê cũ Na Hang gia đình chị chỉ làm nông, thu nhập bấp bênh, nay về quê mới phát triển nghề mới đem lại thu nhập khá nên chị đã nhận anh em, hàng xóm vào cùng làm để cùng nhau vươn lên xây dựng cuộc sống khá giả hơn. Trong thôn giờ chỉ còn vài hộ nghèo, năm mới này bà con đều chăm chỉ lao động, bày tỏ quyết tâm thoát nghèo.
Ngược lên các khu tái định cư ở vùng cao, nhiều hộ dân đã lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp để vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Như gia đình anh Nông Văn Thăng ở thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) trước kia ở bản cũ gia đình anh chỉ có nghề làm ruộng. Khi chuyển về xã Phù Lưu, nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, thích hợp với trồng cây có múi như cam, chanh. Học hỏi từ bà con bản địa, gia đình anh mạnh dạn vay vốn để trồng hơn 2 ha cam và chanh tứ thì.
Cùng với đó là xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”. Để có kiến thức, kỹ thuật anh đăng ký tham gia thêm các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ phát triển nghề mới, mỗi năm gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng, số tiền mà trước đây ở quê cũ chưa bao giờ anh dám mơ tới. Anh Thăng bảo, chỉ có phát triển nghề nghiệp ổn định mới giúp người dân tái định cư vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.
Định hướng, hỗ trợ nghề mới phù hợp
Nhường đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, từ năm 2003 đến năm 2006, toàn tỉnh đã sắp xếp hơn 4.000 hộ dân với trên 20.000 nhân khẩu đến 125 điểm tái định cư thuộc 42 dự án tái định cư trên địa bàn các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang. Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ người dân về đời sống và sản xuất, giờ đây các khu tái định cư đã “thay da đổi thịt”, đồng bào đã gắn bó và phát triển nhiều nghề mới để nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo, làm giàu…
Hiện nay, bà con tái định cư ở nhiều nơi trong tỉnh đã phát triển nghề mới, xây dựng thành “thương hiệu” mà khi nhắc đến chất lượng các sản phẩm được người tiêu dùng, thị trường đánh giá cao, từ đó sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Tiêu biểu như nghề làm tăm ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang); nghề nuôi trâu, bò nhốt chuồng ở xã Bình An (Lâm Bình), trồng chè ở xã Tân Thành (Hàm Yên); kinh doanh tổng hợp, nuôi trồng thủy sản ở xã Đà Vị (Na Hang)…
Đồng chí Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị (Na Hang) cho biết, để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ tái định cư vươn lên, chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời định hướng bà con phát triển các nghề phù hợp. Hiện nay bà con tái định cư ở các thôn phát triển ngành nghề rất đa dạng như kinh doanh dịch vụ, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… Nhờ phát triển hiệu quả các ngành nghề, tỷ lệ hộ nghèo trong bà con tái định cư giảm nhanh, hiện có hơn 500 hộ tái định cư, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%.
Khi mở các phiên giao dịch việc làm hoặc các lớp đào tạo nghề, dạy nghề ngắn ngày, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện cũng ưu tiên tổ chức ở các huyện vùng sâu, vùng xa và các địa phương có hộ tái định cư. Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2023, trung tâm có kế hoạch tổ chức từ 17 đến 20 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó sẽ ưu tiên tổ chức tại các xã vùng sâu, vùng xa, xã có hộ tái định cư sinh sống.
Thông qua đó sẽ kết nối giữa người lao động với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, giúp người lao động tìm kiếm cơ hội học nghề, việc làm phù hợp để nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh, phấn đấu hết năm 2023, giải quyết việc làm cho 22.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 3%/năm.
Một chặng đường đã đi qua và với nỗ lực trong xây dựng cuộc sống mới, những người dân tái định cư đã đoàn kết cùng với người dân sở tại chung sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển hơnn
Gửi phản hồi
In bài viết