Bài 1: Báo động đỏ nạn tận diệt giun đất bằng kích điện
Bài 2: Kích giun đất để làm gì?
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Tú cho biết, trên thực tế, việc quản lý sinh vật này và các sinh vật khác trong đất không thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị. Tuy nhiên, qua đơn thư phản ánh của người dân, tình trạng khai thác giun đất đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các loại cây trồng trong đất. Đơn vị đã cử đoàn kiểm tra thực tế để có hướng khắc phục.
Như phản ánh của ông Ma Văn Sơn, thôn Nà Lại, xã Tri Phú (Chiêm Hóa), việc kích giun đất bằng điện đã khiến vườn cây phật thủ của gia đình ông có hiện tượng vàng lá, sinh trưởng kém. Trước đó, lực lượng chức năng xã này đã thu giữ 3 bộ kích điện của các đối tượng đánh bắt giun đất, trong đó có 1 bộ thu được tại vườn phật thủ nhà ông Sơn.
Theo ông Tú, hiện tượng đánh bắt giun đất bằng kích điện đã xảy ra một thời gian dài. Ngày 20-4-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các các đơn vị liên quan như UBND các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh rà soát, kiểm tra, báo cáo tình hình đánh bắt, thu mua, sơ chế giun đất trên địa bàn để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trước ngày 29-4-2021. Tuy nhiên, đến hết ngày 24-5-2021, mới chỉ có UBND thành phố Tuyên Quang có văn bản trả lời. Theo đó, trên địa bàn thành phố, qua kiểm tra, rà soát, không phát hiện trường hợp sử dụng kích điện, thu mua, sơ chế giun đất hoặc dùng hóa chất đánh bắt giun đất gây hại đến môi trường.
Văn bản chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu báo cáo về tình trạng khai thác,
sơ chế giun đất trước ngày ngày 29-4-2021.
Theo ông Tú, việc khai thác giun đất cũng như các sinh vật khác trong đất bằng bất kỳ hình thức nào đã làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, phá vỡ đa dạng sinh học và hủy hoại môi trường đất, vi phạm Khoản 2, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, những sinh vật này theo Luật, gần như không có một hướng dẫn nào để xử lý. Ông Phùng Thế Hiệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị đã nhận được các văn bản đề nghị phối hợp quản lý việc khai thác giun đất bằng kích điện, nhưng Luật Bảo vệ môi trường chỉ quy định, có chế tài xử phạt đối với việc khai thác, đánh bắt, mua bán, vận chuyển những động vật quý hiếm, trong khi đó đối với giun đất, các sinh vật khác trong đất, hay kể cả việc đánh bắt cá bằng kích điện, cũng không có quy định nào để xử phạt được.
Để hạn chế vấn đề này, theo ông Hiệu, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tuyên truyền để bà con hiểu được vai trò của giun đất đối với hệ sinh thái trong đất. Trong khi đó, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Mạnh Tú cho rằng, giải pháp căn cơ nằm ở chính các địa phương. Chính quyền cấp xã phải bám sát địa bàn hơn nữa, khi phát hiện các trường hợp bắt giun đất bằng kích điện, phải lập biên bản, tịch thu phương tiện ngay. Đồng thời, lập các đoàn kiểm tra xử lý các cơ sở sơ chế giun đất không có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Thêm vào đó, theo ông Tú, lực lượng quản lý thị trường cũng phải vào cuộc tích cực, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh các thiết bị kích điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Chưa có chế tài xử phạt, nên giải pháp trước mắt mà các đơn vị tập trung thực hiện trong thời gian này là tăng cường kiểm tra, giám sát về lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý; chủ động nắm bắt tình hình và khi phát hiện các đối tượng dùng kích điện bắt giun tiến hành lập biên bản. Ngành nông nghiệp cũng đề nghị bà con nhân dân tố giác những đối tượng cố tình đánh bắt giun đất trên địa bàn; báo cáo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết