Hạ tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện tỉnh Tuyên Quang có 107.633 người cao tuổi, trong đó ngoài những người có lương hưu hàng tháng thì có trên 15.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng (trên 10.000 người thuộc chính sách người cao tuổi, gần 5.000 người thuộc chính sách người cao tuổi khuyết tật), gần 5.000 người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, 97,2% người cao tuổi có thẻ Bảo hiểm y tế.
Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định: người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn; người đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ được hưởng trợ cấp xã hội. Với người cao tuổi không có lương hưu, sau 60 tuổi, việc làm lụng kiếm sống đã nhọc nhằn, vất vả rồi, nhưng để đủ điều kiện được nhận trợ cấp xã hội, họ vẫn sẽ phải làm việc, tự nuôi sống bản thân thêm 20 năm nữa, đến khi đủ 80 tuổi mới được hưởng trợ cấp xã hội, nhiều người đã không chờ được đến 80 tuổi để hưởng mức trợ cấp này.
Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh trao quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Tiến (Yên Sơn).
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (TP Tuyên Quang) cho biết: Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, tuy nhiên tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ đã trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Trong đó quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.
Mức trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội từ 80 xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và bảo hiểm y tế.
Đảm bảo an sinh lâu dài
Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách BHXH nhằm đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân khi hết tuổi lao động. Lương hưu sẽ giúp người lao động khi về già vơi bớt nỗi lo tiền bạc, giúp họ yên tâm dưỡng già, bảo đảm cuộc sống tốt hơn mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào con cháu.
Để giúp người lao động hưởng lương hưu khi về già, thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo 3 mức, tương ứng với 3 nhóm đối tượng (30% đối với hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; 10% đối với tất cả các đối tượng còn lại), giúp người dân chủ động có kế hoạch tích lũy dài hạn để có chế độ lương hưu khi về già.
Bà Phạm Thị Hiền, 60 tuổi, thôn Thác Lường, xã Bình Xa (Hàm Yên) cho biết gia đình bà là hộ cận nghèo, chồng bà bị tàn tật, gia đình chỉ làm nông nghiệp, hàng tháng bà trồng lúa, rau, màu, chăn nuôi gà, lợn, đan lát đồ thủ công kiếm sống, thu nhập từ đan lát trung bình được 30 - 40 ngàn đồng/ngày, thu nhập bình quân của vợ chồng bà chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Ông bà không có lương hưu, bà bảo: “Nghĩ về lâu dài, tôi xác định mỗi tháng cần có kế hoạch bỏ ra một số tiền nhất định nộp BHXH tự nguyện để lo cho tuổi già, lúc yếu, không còn sức khỏe lao động nữa, còn có đồng mua mắm, mua muối”. Hiện mỗi tháng bà bỏ ra gần 250.000 đồng/tháng để đóng BHXH tự nguyện. Bà bảo, tuy mức đóng BHXH là 20 năm, nhưng vì hiện nay đã 60 tuổi rồi, nên bà chỉ đóng đều hàng tháng trong 10 năm đầu thôi, mấy năm nữa bà sẽ đóng 1 lần để được hưởng chế độ hưu.
Trong số những người không có lương hưu, hiện nay nhiều người đã tiếp cận BHXH tự nguyện với tâm thế chủ động, tạo nguồn lương hưu cho mình khi hết tuổi lao động. Chị Nguyễn Thu Hiền, trú tại tổ 10, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết: chị đã tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH TN) 20 năm nay và sắp tới, chị sẽ có chế độ lương hưu như cán bộ công chức Nhà nước, có bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe khi về già. Chị bảo: ban đầu cách đây 20 năm, chị chỉ phải đóng 200 - 300 ngàn đồng/tháng, đến nay do mức lương cơ bản tăng, nên mỗi quý chị đóng bảo hiểm ở mức 4,2 triệu đồng/1 quý, BHXH tự nguyện hay ở chỗ mình có thể tự do làm những công việc mình yêu thích và chủ động có kế hoạch tích lũy một khoản, tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, khi hết tuổi lao động vẫn có chế độ lương hưu như cán bộ Nhà nước. Nhà chị cả 2 vợ chồng và em chú của chị đều tham gia đóng BHXH tự nguyện. Với chị, đây là chế độ mở, rất ưu việt của Nhà nước trong việc khuyến khích đông đảo người dân tham gia vào hệ thống BHXH.
Ở độ tuổi càng cao, người dân càng cần có điểm tựa vững chắc về nhiều mặt, nhất là an sinh xã hội, việc gia tăng tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu và các khoản trợ cấp là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh như hiện nay.
Để lấp khoảng trống không có lương hưu, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, rất cần bổ sung, hoàn thiện chính sách về người cao tuổi với các khung chính sách linh hoạt, hấp dẫn hơn, để có ngày càng nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
Gửi phản hồi
In bài viết