Thiên tai dị thường
Mưa dông kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh xảy ra đêm 30-4, rạng sáng ngày 1-5 đã làm 678 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Mưa dông kèm lốc còn gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp, ghi nhận ban đầu đã có hơn 242 ha lúa, hơn 339 ha ngô và rau màu và 54,9 ha cây lâm nghiệp bị đổ gẫy. Về chăn nuôi, thống kê sơ bộ đã có 600 con gà, vịt và 2 con trâu tại huyện Sơn Dương bị chết. Ngoài ra có 19 cây cột điện bị gãy đổ và 70 công trình chuồng trại, nhà bếp, công trình phụ bị tốc mái, hư hỏng. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra hơn 10,4 tỷ đồng.
Dân quân xã Hà Lang (Chiêm Hóa) hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
Trước đó, từ ngày 17 đến ngày 20-4, mưa dông đã làm 299 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng nặng. Lâm Bình là huyện bị thiệt hại nặng nhất với 98 nhà bị hư hỏng, tiếp đến là các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên. Chưa kể nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp bị đổ gẫy.
Sau một trận dông, lốc kèm mưa đá, 3 mẹ con chị Nịnh Thị Phương, thôn 1 Trung Thành, xã Thành Long (Hàm Yên) đã rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất. Chị Phương vẫn chưa hết bàng hoàng, câu chuyện chị kể chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi những cái rùng mình, sợ hãi. Theo lời chị Phương, đêm 1-5 thấy trời nổi gió, chị đóng hết các cửa để tránh gió, chưa đầy 10 phút sau, toàn bộ ngôi nhà sàn của mẹ con chị đã đổ sập, may mắn là chị và các con vẫn an toàn.
Trận dông lốc kèm mưa đá đêm 1-5 cũng đã làm nhà của bà Lương Thị Giàu, thôn 3 Phúc Long cùng xã Thành Long bị đổ sập. Bà Giàu bảo, sống hơn 60 tuổi, chưa khi nào bà chứng kiến trận dông lốc mạnh kèm mưa đá lớn như vậy xảy ra. Theo bà Giàu cũng may là bà cùng các cháu chạy kịp nên bảo toàn được tính mạng.
Theo đồng chí Bùi Chí Thanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia, tác động xấu của biến đổi khí hậu nhiều loại hình thiên tai sẽ tiếp tục xuất hiện với tần suất dày hơn và cường độ mạnh hơn, đặc biệt là loại hình thiên tai mưa lớn, dông lốc, sạt lở đất, đá. Thực tế cho thấy, tại tỉnh ta dù chưa vào mùa mưa bão tuy nhiên các loại hình thiên tai nguy hiểm đã liên tiếp xuất hiện chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 đợt thiên tai có cường độ mạnh, làm hư hỏng trên 1.000 nhà ở cùng nhiều công trình trường học, điện… gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân
Phòng, chống thiên tai hiệu quả bền vững tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hướng tới một xã hội an toàn trước thiên tai.
Theo Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên ta và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bùi Chí Thanh, nhiệm vụ lớn nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các huyện, thành phố đã tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất thực hiện di dời người dân đến nơi an toàn. Hằng năm tỉnh đã thực hiện rà soát những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm lập kế hoạch hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn.
Lực lượng chức năng tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai mùa mưa bão tại Na Hang.
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, đơn vị được giao đảm nhận trách nhiệm sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vùng xung yếu cho biết, do địa hình phức tạp, hàng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 - 100 hộ nằm trong diện nguy hiểm phải di dời. Đảm bảo an toàn cho người, tài sản của người dân, ngành đã phối hợp với các huyện, thành phố, tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư hỗ trợ di dời các hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Việc sắp xếp, bố trí theo 2 hình thức xen ghép và tập trung đảm bảo cự ly di chuyển ngắn, không xáo trộn về đời sống và sản xuất của người dân. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm, tỉnh đã hỗ trợ di dời 80 hộ đến nơi an toàn.
Gia đình bà Hà Thị Hè, thôn Pắc Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) chuyển nhà từ khe núi ra trung tâm thôn được 1 năm nay, cuộc sống cũng thay đổi hẳn. Theo bà Hè, ngôi nhà cũ của gia đình, lưng tựa núi, trước nhà là đất canh tác, theo phong tục xưa là rất thuận lợi nhưng thời tiết thay đổi, thiên tai dữ dằn hơn nên mỗi khi mưa lớn, lũ trên rừng ập xuống kéo theo cây cối, đất đá vùi lấp hết. Chục năm gần đây, mùa mưa nào gia đình bà cũng sống trong tâm thế sẵng sàng chạy để bảo toàn tính mạng khi có dấu hiệu lạ.
Hỗ trợ di dời các hộ dân đến nơi an toàn, tỉnh cũng đã lắp đặt trạm đo mưa tự động và hệ thống cảnh báo sớm thiên tai vào hệ thống thông tin chung của tỉnh, đồng thời tiến hành sửa chữa, xây dựng công trình phòng chống thiên tai. Trên cơ sở tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương tổ chức diễn tập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với sự tham gia của các lực lượng cho phù hợp. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành chuyên môn Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra rà soát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình giao thông, thủy lợi, đặc biệt là các công trình đang có sự cố, đang thi công, hồ chứa đã tích đầy nước, cầu, ngầm, tràn, đê, kè, cống dưới đê; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đó là giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài cũng được tỉnh thực hiện hiệu quả là tập trung trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ của rừng ngăn ngừa, kiểm soát chủ động các loại hình thiên tai có thể xảy ra.
Cùng với sự vào cuộc của tỉnh, ngành chuyên môn, người dân cần chủ động theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo tiên tai. Thời đại công nghệ số, các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai liên tục được Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh được phát đi trên các nền tảng, các tổ chức, cá nhân thường xuyên theo dõi, chủ động các biện pháp ứng phó, gia cố nhà ở, có kế hoạch sản xuất hợp lý... Có như vậy mới xây dựng được một xã hội an toàn trước thiên tai.
Gửi phản hồi
In bài viết