Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng cho các tiết mục xuất sắc nhất.
Liên hoan là cuộc tranh tài của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 9 đơn vị nghệ thuật, trong đó có 4 đơn vị nghệ thuật trong nước (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) và 5 đơn vị nghệ thuật quốc tế đến từ các nước: Canada, Belarus, Lào, Campuchia, Ai Cập.
Đánh giá về chất lượng nghệ thuật của Liên hoan, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan nhận định: So với kỳ trước, chất lượng Liên hoan Xiếc quốc tế lần này đã được nâng cao một cách rõ rệt. Có nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện với nhiều tiềm năng hứa hẹn. Liên hoan đã hội tụ được nhiều thể loại tiết mục đa dạng, phong phú.
Nhiều tiết mục đã thể hiện được những sáng tạo trong dàn dựng, như: Dây lụa 4 (Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam), Tung hứng 4, Hình tượng 3 nam, Xe đạp tập thể (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam); Tung hứng trên chân (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội). Các nghệ sĩ tham gia đã được nâng cao nhiều về kỹ thuật, nghệ thuật, phong cách biểu diễn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiết mục chưa có những tìm tòi sáng tạo mới, kỹ thuật chưa cao.
Một tiết mục biểu diễn chào mừng bế mạc Liên hoan.
Phát biểu bế mạc Liên hoan, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Thành công của Liên hoan Xiếc quốc tế không chỉ thể hiện sự cố gắng của nước chủ nhà Việt Nam mà còn là sự tham gia nhiệt thành của các đoàn nghệ thuật xiếc quốc tế đến từ 5 quốc gia.
“Điều lớn nhất mà chúng ta có được từ Liên hoan chính là tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật xiếc tại Việt Nam và thế giới trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ hội tốt để nghệ sĩ các nước trao đổi, học tập kinh nghiệm về phương pháp sáng tạo nhằm xây dựng nghệ thuật xiếc ngày càng phát triển”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Để nghệ thuật xiếc ngày càng phát triển, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng cần quan tâm một số nội dung trọng tâm, như: giữa phần kỹ thuật và phần thể hiện của một số tiết mục phải gắn bó chặt chẽ hơn; tăng cường tính kỹ thuật nhằm tiếp cận với trình độ của quốc tế; tiếp tục quan tâm đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các tiết mục; có chính sách đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các diễn viên trẻ, tài năng về làm việc tại các liên đoàn, các đoàn nghệ thuật xiếc; tăng cường các tiết mục mang ý nghĩa giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ gắn với nền văn hóa dân tộc; lan tỏa đến công chúng các tiết mục đạt chất lượng tốt tại Liên hoan, đáp ứng sự kỳ vọng của khán giả, công chúng đối nghệ thuật xiếc.
Chung cuộc, Ban Tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng cho các tiết mục: Dây căng cao (Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Lời của biển (Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam); Hồi sinh (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam). Cùng với đó là 8 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng dành cho những tiết mục trong nước, quốc tế xuất sắc.
Ban Tổ chức cũng trao giải cho các thành phần sáng tạo xuất sắc, bao gồm giải Dàn dựng xuất sắc (Nguyễn Ngọc Anh - tiết mục Dây căng cao - Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Huấn luyện xuất sắc (Ngô Lê Thắng, Thái Quyết Trường - tiết mục Âm vang cổng trời - Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam); Nhóm nghệ sĩ xuất sắc (Bùi Hải Quân, Lê Hoàng Hiệp, Phan Văn Chiến, Nguyễn Thanh Tùng, Trần Hồng Hảo, Lê Cẩm Ly - tiết mục Chiến binh không gian (Lăn vòng) - Liên đoàn Xiếc Việt Nam).
Gửi phản hồi
In bài viết