Bài 2: Suối đang bị “bức tử”

 Từ bao đời nay, những dòng suối gắn liền với đời sống người dân. Không chỉ cung cấp nguồn nước bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, cung cấp nguồn lợi thủy sản phong phú mà nhiều dòng suối còn mang giá trị về lịch sử, văn hoá của dân tộc. Thế nhưng, những dòng suối trước kia trong mát giờ trở thành màu nước đen, chứa đầy rác. Thậm chí nhiều con suối bốc mùi hôi, thối trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Các dòng suối bị ''bức tử"  đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sự phát triển bền vững của quê hương.

  

Hệ thống ngòi, suối bắt nguồn từ Tam Đảo chảy qua các xã Hợp Hoà, Thiện Kế, Ninh Lai (Sơn Dương) là nguồn nước cung cấp phục vụ đời sống và phát triển kinh tế- xã hội  đối với người dân ở đây. Thế nhưng, các dòng suối nơi đây đang bị “bức tử”. Chỉ tay về dòng nước suối Cầu Khum đen xì, đặc quánh đang lờ đờ chảy ra sông, ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Vạt Chanh, xã Thiện Kế bức xúc nói: “Đấy, các anh xem gia đình tôi ở cạnh con suối này, mùi hôi, thối bốc lên không sao chịu được. Để hạn chế mùi, gia đình luôn đóng kín cửa. Thời điểm mùi nặng nhất vào khoảng từ 16-17 giờ khi các hộ trong thôn rửa chuồng chăn nuôi. Phân, chất thải được đưa trực tiếp ra suối tạo nên những dòng nước phân đen đặc mùi nồng nặc.

Suối trên địa bàn xã Thiện Kế (Sơn Dương) trần ngập rác thải; nước thải chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi của xã Thiện Kế (Sơn Dương) được xả ra kênh dẫn xuống suối gây ô nhiễm.
Chị Mai Thị Hà, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hoá) bức xúc, nhà tôi chỉ cách trại chăn nuôi lợn chừng 70m, những ngày trời nắng thế này mùi phân bốc lên rất khó chịu, ruồi nhặng vào nhà nhiều. Không biết việc xử lý chất thải của trang trại này như thế nào mà tôi thấy ngòi Khuổi Chán nước đen kịt, mùi bốc lên nồng nặc. Chúng tôi ăn cơm cũng phải đóng kín cửa, che bạt lưới chặn ruồi nhặng vào nhà.

​Nước thải của cơ sở chăn nuôi lợn tại thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hoá) xả thẳng ra suối

Không chỉ có nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm, ở nhiều nơi người dân xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra ngòi, suối. Khi được hỏi về việc xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt của gia đình, chị Hứa Thị Niệm, thôn Thia, xã Tân Trào (Sơn Dương) cho biết: “Rác thải sinh hoạt của gia đình được tập kết và hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý. Tuy nhiên, hầu hết nước thải sinh hoạt của gia đình tôi và các hộ sống gần suối Thia đều xả xuống suối”.

Nước suối Thia, xã Tân Trào (Sơn Dương) nước chuyển màu đen, sủi bọt, mùi hôi tanh, vỏ hộp thuốc trừ sâu cũng được vứt nơi đây.

Đối với người dân thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hoá), ngòi Khuổi Chán không còn nữa. Một phần do người dân kè ngăn dòng và một phần do thời tiết ít mưa nên không còn dòng chảy nữa. Người dân trong thôn phản ánh do một số hộ đắp ngòi để lấy nước tưới cây vô tình đã làm mất dòng chảy, đồng thời đọng lại lượng phân của trang trại lợn phía trên gây ra mùi hôi thối cho cả vùng.

Ngòi Khuôn Chán, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hoá) ngập tràn nước thải chăn nuôi.

Cách đó 300m, dòng suối Cổ Linh chảy dọc xã Kim Bình mang nguồn nước trong mát tưới tắm cho những cánh đồng bội thu, là nơi chăn thả thuỷ cầm của người dân cũng đang xuất hiện tình trạng một số hộ dân lấn chiếm lòng suối. Người dân nơi đây cho biết, dòng suối Cổ Linh được coi như “rốn lũ”, khi mùa mưa lũ về dòng chảy lớn. Nhiều người dân xã Kim Bình còn nhớ như in trận lũ năm 2001 đã cuốn phăng phăng toàn bộ nhà cửa bên bờ suối khu vực thôn Ngọc Quang. Thật may không có thiệt hại về người.

Anh Ma Vĩnh Tích, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình chia sẻ: “Gia đình có diện tích đất soi bãi bên bờ Cổ Linh, nhưng mỗi năm lại hẹp lại vì sạt lở, nguyên nhân do một số hộ bên kia suối lấn lòng suối làm thay đổi dòng chảy, gia đình cũng đã nhiều lần kiến nghị với UBND xã”.

Người dân xây bờ kè chặn dòng ngòi Khuôn Chán, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hoá) và điểm lấn chiếm lòng suối Cổ Linh, xã Kim Bình (Chiêm Hóa).

Đồng chí Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kinh Bình xác nhận, tình trạng người dân lấn chiếm lòng suối mấy năm gần đây vẫn xảy ra, tập trung vào các hộ sống gần bờ suối với các hình thức vi phạm như: Đổ đất lấn suối và xây dựng công trình tại thôn Ngọc Quang và Kim Quang. Xã đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại thôn Ngọc Quang xã sẽ lập đoàn kiểm tra thực trạng, từ đó có hướng xử lý.

Việc “bức tử” những con suối một cách vô ý thức đã gây ra những hệ luỵ cho cuộc sống của người dân. Ông Bùi Văn Lộc, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Bèn 2, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) chia sẻ, đã từ lâu người dân trong thôn không còn ra các bến nước ven suối Ngòi Yến rửa lá dong gói bánh mỗi độ Tết đến; hay lúc đi làm đồng về xuống suối tắm giặt, đùa vui nữa. Nguồn nước trong mát giờ đã chuyển sang màu đục, chẳng biết rác thải từ đâu trôi về có cả xác động vật chết, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vương vãi khắp suối.

Các con suối tại xã Thiện Kế (Sơn Dương) ngập tràn rác và xác động vật chết.

Còn ở xã Ninh Lai (Sơn Dương) những năm gần đây một số tuyến kênh mương dẫn nước sản xuất nông nghiệp đã trở thành mương dẫn nước thải đưa ra cánh đồng. Chỉ tay về mương nước đen đặc phân thải chăn nuôi đang tràn vào ruộng, bà Trần Thị Dư, thôn Cây Đa 1 nói: “Mương dẫn nước cho sản xuất nông nghiệp nhưng các hộ xả thẳng nước thải chăn nuôi ra mương chảy tràn xuống ruộng. Không còn cấy được lúa nữa, gia đình tôi buộc phải đổi diện tích này sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi”.

Nước thải chăn nuôi tràn ra ruộng tại xã Ninh Lai (Sơn Dương).

Suối Nặm Luông chảy qua địa bàn thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) nổi tiếng nhiều cá, tôm. Anh  Nguyễn Văn Lên, tổ dân phố Bản Khiển cho biết, trước đây suối nhiều cá lắm, cá chiên, chày, dầm xanh… bơi thành đàn. Nhà gần suối nên mỗi buổi chiều đi làm về anh cầm theo súng bắn cá tự chế, kính lặn ra suối lặn bắn cá làm thực phẩm cho bữa tối. Nhưng những năm gần đây, dân cư phát triển dọc theo bờ suối, nhiều cống nước thải sinh hoạt xả ra suối, dòng suối không còn trong xanh như trước, cá tôm cũng ít dần. Giờ cũng chẳng còn mấy người lặn suối bắn cá. Nhiều loài cá bây giờ đã không còn xuất hiện ở con suối này nữa.

Công trình lần chiếm và trang trại lợn xả rác và nước thải xuống suối.

 

 

 Ông Nguyên Văn Thanh, thôn Vạt Chanh, xã Thiện Kế (Sơn Dương)

Ngay từ bây giờ, người dân, các cấp, ngành chức năng cần chủ động, vào cuộc tích cực tìm kiếm những giải pháp thiết thực, đồng bộ ngăn ngừa nguy cơ làm "bức tử" hệ thống khe, suối hoặc giảm thiểu đến mức thấp nhất sự ô nhiễm môi trường tại các dòng suối vì sự phát triển bền vững của quê hương.

Thực hiện: Thanh Tùng, Cao Lâm, Mỹ An