Lấy cảm hứng từ chất liệu giấy dó xuất hiện trong nhiều hình thái nghệ thuật dân gian, tác phẩm là sự kết hợp đặc biệt giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và những sắc thái muôn màu của văn hóa Việt Nam, thể hiện qua ngôn ngữ ballet đương đại.
Vở ballet “Dó” - sáng tạo độc đáo lấy cảm hứng từ tổ khúc “Bốn mùa” của nhà soạn nhạc Vivaldi.
Sáng tạo độc đáo
Vở ballet “Dó” do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam giới thiệu nhân Ngày châu Âu 2024. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết: “Chúng tôi mong muốn quảng bá âm nhạc độc đáo và tinh tế từ lục địa châu Âu cũng như những tài năng nghệ thuật ngày càng nhiều của Việt Nam mà chúng tôi đã chứng kiến trong những năm gần đây. Chúng tôi tự hào thể hiện sự kết nối văn hóa châu Âu - Việt Nam qua vở ballet này”.
“Dó” là tác phẩm do Nhà sản xuất Trần Hương Na, Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương và biên đạo múa Vũ Ngọc Khải dàn dựng. Tác phẩm xây dựng từ ý tưởng về sự kết nối phương Đông và phương Tây trong nghệ thuật đương đại.
Bên cạnh ý nghĩa về chất liệu giấy truyền thống xuất hiện trong nhiều hình thái nghệ thuật dân gian Việt Nam, tên gọi “Dó” còn gợi ẩn ý về “gió”, thể hiện chuyển động, tính linh hoạt, nét tươi mới, sự tụ hội. Sáng tạo đặc biệt trong tác phẩm này là các nghệ sĩ đã lựa chọn tổ khúc “Bốn mùa” kinh điển để biểu diễn. Nhưng đó không phải “Bốn mùa” được chơi nguyên vẹn theo những gì nhà soạn nhạc tài ba người Italia Vivaldi đã viết hơn 300 năm trước, mà là một phiên bản khác, đã được nhà soạn nhạc Max Richter khoác lên những tầng hòa âm, phối khí mới và những thử nghiệm táo bạo về cấu trúc nên mang tính đương đại hơn.
Hai biên đạo Phan Lương và Vũ Ngọc Khải còn mạnh dạn thay đổi thứ tự mùa trong tổ khúc, thành đông - thu - hạ - xuân, để dẫn dắt khán giả vào thiên nhiên, cuộc sống vừa quen, vừa lạ.
Trên sân khấu, những chiếc nơm cá của người ngư dân Việt Nam được biến tấu trở thành đạo cụ để các nghệ sĩ ballet biểu diễn, kể câu chuyện về sự chuyển biến của mùa trong năm. Chương 1 “Mùa đông” là những chuyển động thể hiện sự khởi đầu của những suy ngẫm mới, một cuộc đối thoại không ngừng giữa con người và tự nhiên.
Chương 2 “Mùa thu” cho người xem thấy ẩn sau vẻ ngoài tĩnh lặng là thế giới sắc màu và cảm xúc của trời đất. Chương 3 “Mùa hạ” là những hình ảnh biểu trưng cho sự rực rỡ, biến chuyển, tràn đầy hứng khởi. Và chương 4 “Mùa xuân” với những động tác thể hiện sức sống, sự tái sinh hòa vào thiên nhiên, vạn vật…
Kết nối văn hóa Việt Nam - châu Âu
Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương và biên đạo múa Vũ Ngọc Khải đều là những người đã tu nghiệp và hoạt động nhiều năm ở nước ngoài nhưng luôn hướng về cội nguồn. Họ gặp nhau ở sự thấu hiểu trong âm nhạc, biểu diễn hình thể và mong muốn kết nối, giao hòa nghệ thuật Đông - Tây.
Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương (sinh năm 1985), hiện là Trưởng đoàn Múa của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Múa Việt Nam và tiếp tục học tại các trường danh tiếng như Học viện Nghệ thuật Hongkong (Hồng Kông, Trung Quốc), Alvin Ailey School (New York, Mỹ) và Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Anh đã từng biểu diễn trong nhiều đoàn múa danh giá trên thế giới, đồng thời làm việc với các đạo diễn, biên đạo múa quốc tế nổi tiếng.
Không chỉ là một vũ công, Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương còn là biên đạo múa tài năng, góp sức cho các tác phẩm gây tiếng vang gần đây của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam như vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, vở ballet “Hàm lệ minh châu”…
Nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải cũng sinh năm 1985, đã tạo nên các dấu ấn đặc biệt trong cộng đồng múa quốc tế với sự nghiệp đa dạng. Anh từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, sau đó theo học và làm việc ở các quốc gia khác nhau như Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ, Italia, Hàn Quốc… Ban đầu, Vũ Ngọc Khải theo đuổi ballet, sau chuyển dần sang neo-classic và múa đương đại. Anh đã hợp tác với nhiều biên đạo múa và nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng, biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Hiện, anh sống và thực hành tại Việt Nam trong vai trò một nghệ sĩ độc lập và giám đốc tổ chức. Các tác phẩm của Vũ Ngọc Khải đều kết hợp giữa múa đương đại với yếu tố truyền thống của Việt Nam, như “Nón” (sáng tạo cùng nhạc sĩ Ngô Hồng Quang), “Cái tổ” (sáng tạo cùng nhạc sĩ Trí Minh và nghệ sĩ viola Trần Thị Ngọc Thủy)…
Hai nghệ sĩ với tâm hồn khát khao cống hiến đã chọn những chất liệu đặc biệt để tạo nên dấu ấn trong tác phẩm này. Thế nên, ở “Dó”, khán giả thấy rõ sự hòa quyện Đông - Tây của nơm, tre, trúc, quần áo nâu… đặc trưng người Việt Nam với những chuyển động đầy tinh tế của kỹ thuật ballet và âm nhạc bác học phương Tây. Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải cho biết, các nghệ sĩ chọn chiếc nơm là hình tượng chính bởi nó mang vẻ đẹp của sự gần gũi, tinh tế, đậm hồn Việt hoàn toàn có thể đối thoại với nghệ thuật ballet và âm nhạc cổ điển phương Tây.
Nghệ sĩ ưu tú Thu Hằng, nghệ sĩ Đức Hiếu và Hà Tứ Thiên đảm nhận phần vũ đạo chính trong vở diễn. "Dó" còn có sự tham gia biểu diễn trực tiếp của các nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, hứa hẹn sẽ mang đến với khán giả trải nghiệm khó quên.
Gửi phản hồi
In bài viết