Tham dự phiên họp tại điểm cẩu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Trong 10 tháng năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn đối với công tác CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác xây dựng và ban hành pháp luật là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các thành viên ban chỉ đạo tại các bộ, ngành. Các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các VBQPPL ngày càng chặt chẽ; kịp thời.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác cải cách TTHC (Tổ Công tác) của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC. Luỹ kế từ năm 2021 đến 31/10/2023, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 VBQPPL để cắt giảm, đơn giản hóa 2483 quy định kinh doanh. Các bộ, ngành đã đơn giản hóa 437 TTHC/1.086 TTHC (đạt 40%); đã có 21/22 bộ, ngành và 61/63 địa phương công bố 4.028 TTHC nội bộ.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 10 năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022). Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so với cùng kỳ năm 2022).
Đến nay đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Đây là những kết quả bước đầu, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử dịch (sửa đổi), theo đó đã bổ sung, hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số. Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết có liên quan đến thúc đẩy, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Theo thống kê từ Bộ Công an, đến 10/10/2023 đã cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi về những nội dung như: Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; thực trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thời gian qua, tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp hướng tới hiệu quả, thực chất; giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC 10 tháng đầu năm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC ở một số nơi còn hạn chế, chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới.
Một số bộ, ngành, địa phương đặt ra mục tiêu CCHC còn định tính nên rất khó đánh giá đúng hiệu quả và trách nhiệm của cơ quan, tập thể, cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi còn hạn chế, chưa đồng đều và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính đối với CCHC tại một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn, tính công khai minh bạch của nền hành chính còn nhiều thách thức, một bộ phận cán bộ, công chức suy giảm lý tưởng, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ, gây bất bình trong nhân dân...
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao hơn nữa nhận nhức của cán bộ, công chức về vai trò CCHC. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương.
Đồng chí nhấn mạnh phải tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC, phải hướng về cơ sở; tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân; tăng cường công tác phân cấp phân quyền đôn đốc, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, tuyên truyền về tình hình thực hiện CCHC.
Cùng với đó tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, nâng cao chất lượng.
Về cải cách TTHC đồng chí đề nghị cần phải đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tập trung cắt giảm những TTHC, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, được người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị.
Tuyệt đối không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia, đê nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định một cách thực chất, hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết