Bản Dao dưới núi Khau Sẳng

- Khi những vườn cam bắt đầu chín rộ, vàng rực khắp các gò đồi dưới chân núi Khau Sẳng cũng là lúc bà con bản Dao, thôn Phia Xeng, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) rộn ràng đón Tết. Năm nay, cam được giá, Tết dường như cũng về sớm hơn.

Người dân bản Dao Phia Xeng, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) thu hoạch cam.   

Thôn khó đã ấm no

Phia Xeng là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Hà Lang (Chiêm Hóa). Nơi đây có 90 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống, trong đó chiếm một nửa người Dao từ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) về định cư từ những năm 1989, còn lại là người Dao bản địa. Trái với hình dung về một Phia Xeng nghèo đói, ảm đạm, những ngày này bản Dao tràn ngập tiếng cười người dân đang thu hoạch cam hòa quyện tiếng rầm rầm xe ô tô chở cam về xuôi, tạo nên không khí sôi động khắp bản làng.

Chị Trần Thị Hương, Trưởng thôn Phia Xeng chia sẻ, ngày xưa, người Dao thôn Phia Xeng chỉ biết trồng sắn, trồng ngô, tách biệt hoàn toàn với các thôn bản khác. Cuộc sống thay đổi bắt đầu từ khi Nhà nước có chương trình hỗ trợ xi măng, nhân dân trong thôn góp tiền mua cát sỏi cùng nhau bê tông tuyến đường ra xã. Từ đó, người người ra ngoài học làm kinh tế, đưa nhiều cách làm mới về áp dụng tại thôn. Những đồi dốc đất đá lô nhô quanh năm độc canh cây sắn, cây tạp đã được bà con dọn đá, đắp bờ thành ruộng cấy lúa lai, trồng cam.

Phia Xeng giờ nhà nhà thu cam, người người hái cam. Nhà ít cũng vài chục gốc, nhiều tính bằng hec - ta. Thôn được biết đến là “thủ phủ” cam của xã với 58 ha cam, trong đó, có ngót 50 ha đã cho thu hái quả. Bình quân mỗi năm thôn xuất trên 1.000 tấn quả cam ra thị trường. Cam chính là cây trồng chủ lực, thu nhập chính của bà con trong thôn. Và câu chuyện thu tiền trăm triệu từ cam không còn xa lạ đối với đồng bào Dao.

Chị em bản Dao Phia Xeng gói bánh đón tết.

Chỉ tay về hướng những chiếc xe tải chất đầy cam trước mặt, chị Hương bảo, trừ những nhà trồng ít họ bán tại vườn, còn lại phần lớn dân tự làm “con buôn” cho nhà mình. Đến mùa cam chín, dân bản không bán vườn mà hầu hết tự thu hái và chở cam về các chợ đầu mối đổ buôn. Đơn cử như gia đình chị, ngoài diện tích vườn của mình, từ đầu vụ đến nay, chị đã mua thêm 3 vườn của người dân trong và ngoài xã đưa về xuôi bán. “Tự đưa đi bán vất vả chút nhưng thu nhập cao hơn nhiều. Đấy, 3 vườn vừa rồi, tôi kiếm cũng ngót 10 triệu” - chị Hương cười nói. Không chỉ có gia đình chị Hương, ở Phia Xeng còn rất nhiều hộ có doanh thu cao từ cam như gia đình anh Trần Văn Quyên hơn 2 ha; Trần Văn Châu hơn 2 ha, Trần Văn Quý hơn 2 ha…

Cùng với cây cam, những đồi cao không trồng được cam đã được bà con dân bản phủ toàn bộ các loại cây như keo, xoan và mỡ. Hiện cả bản có hơn 100 ha rừng. Những cánh rừng to, nhỏ ngút ngàn trải dài khắp núi rừng Khau Sẳng, đã mang đến cho người dân thôn Phia Xeng một cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Dừng chân bên ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, sừng sững đầu làng, trưởng thôn Trần Thị Hương cười vui: “Nhà Bí thư chi bộ đấy. Hộ cần cù, năng động nhất bản”. Chủ nhân căn nhà chính là anh Trần Văn Quyên, Bí thư chi bộ thôn. Cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn, cuộc sống gia đình anh Quyên trước đây rất nghèo khó. Nhờ tích cực lao động sản xuất, trồng keo, trồng cam kết hợp chăn nuôi, nay gia đình anh đã có cuộc sống khấm khá. Với 10 ha rừng trồng, hơn 2 ha cam, 1 máy cuốc và 1 xe ô tô làm dịch vụ... hàng năm anh có doanh thu trên 300 triệu đồng. Anh Quyên chia sẻ: “Ở vùng đất khó, nên mình cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để thoát khỏi cái đói, cái nghèo”. Tư duy  không ngừng nỗ lực hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn của anh Quyên cũng chính là tâm niệm của bao con người đang sinh sống ở mảnh đất này.


Chị em phụ nữ thôn Phia Xeng chuẩn bị trang phục chơi tết.

Rộn ràng giai điệu mùa xuân

Đưa chúng tôi dạo một vòng quanh thôn, chị Trần Thị Hương, Trưởng thôn cho hay: Năm nay, cam được giá, người dân được đón một cái tết vui, ý nghĩa và đủ đầy hơn mọi năm. Thời điểm này, ngoài việc thu hoạch cam, một số chị em trong thôn đã rục rịch may váy, lên rừng kiếm củi, cắt lá dong, lá chuối về chuẩn bị tết.

Bà Bàn Thị Mẩy, một cao niên trong bản nói: “Người Dao chúng tôi tổ chức đón tết cổ truyền như các dân tộc khác. Tuy nhiên chúng tôi không đợi đến hôm 30 tết mới tổ chức, mà ăn Tết từ đầu tháng Chạp, các gia đình nhộn nhịp thịt lợn. Mỗi nhà thịt 1 con lợn, con gà mời anh em họ hàng và làng xóm đến chung vui cùng gia đình. Chúng tôi cùng nhau ăn như vậy đến hết mùng 4 thì xuống đồng. Đặc biệt, chúng tôi bảo nhau rằng, tết mọi người treo cờ Tổ quốc ngoài sân và chỉ quây quần hát Páo dung, chơi các trò chơi dân gian, không uống rượu say, không chơi cờ bạc”.

Về Phia Xeng, chúng tôi còn cảm nhận rõ nét một vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Trang phục Dao của bà con luôn được giữ gìn và sử dụng thường xuyên, nhất là trong các dịp lễ, tết. Đặc biệt, những ngày Tết ở đây không thể thiếu làn điệu Páo dung. Từ đêm giao thừa, các hộ gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa hồng cùng ăn bánh kẹo, nhấp chén rượu ngô cay nồng và thưởng thức làn điệu Páo dung của các cô, các bà đối đáp.

Chị Triệu Thị Lai, một phụ nữ Dao trong thôn chia sẻ, chị biết hát Páo dung từ khi còn là thiếu nữ. Năm nào cũng vậy, vào những ngày tết, chị lại cùng các chị em trong bản đối đáp Páo dung cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Những bài hát Páo dung nhớ ơn Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người , từ đó thấy yêu quê hương, tự hào về dân tộc mình hơn.

Rời Phia Xeng, hình ảnh những người phụ nữ tất bật thu hái những quả cam chín mọng, nụ cười rạng rỡ của những em bé khi được mẹ may cho chiếc váy mới hay những chuyến xe chở đầy cam về xuôi gây ấn tượng mãi trong tôi. Một mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc hơn đang về với đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

Phóng sự: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục