Bàn giải pháp nâng cao chỉ số CCHC và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

- Sáng 10-7, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, bàn giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Dự họp có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 

 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh chủ trì cuộc họp.

Năm 2022, Par Index của Tuyên Quang đạt 85,34%, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc và giảm 1,23% so với năm 2021. Par Index của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh, Sở Tư pháp đứng đầu với 90,71 điểm; Sở Y tế đứng cuối với 76,85 điểm. Đối với UBND cấp huyện, UBND thành phố Tuyên Quang đứng đầu với 82,55 điểm; UBND huyện Chiêm Hóa đứng cuối với 73,73 điểm.

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) cấp tỉnh đạt 81,72%, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, giảm 4,55% và tăng 20 bậc so với năm 2021.

Toàn cảnh cuộc họp.

Qua đánh giá của Bộ tiêu chí cho thấy, việc thực hiện công tác CCHC của tỉnh còn một số hạn chế, đó cũng là hạn chế đã được phát hiện qua kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị trong năm 2022.

Những nguyên nhân được xác định do cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; chưa gắn với trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện; tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế; chưa tích cực, chủ động hướng dẫn người dân, tổ chức thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến…

Mục tiêu của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo phải tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao điểm số của các chỉ số thành phần của  Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu thảo luận.

Lãnh đạo UBND huyện Chiêm Hóa phát biểu thảo luận.

Trong đó trọng tâm là tập trung khắc phục các tiêu chí bị trừ điểm; khắc phục hạn chế trong điều tra xã hội học; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas).

Thảo luận đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế và thực hiện các mục tiêu đó, đại biểu đã đóng góp các ý kiến cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các ngành, chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể vào từng lĩnh vực; việc đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số cần có bài bản hơn; phải cập nhật thay đổi và công khai kịp thời trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục thực hiện “4 tại chỗ”, “5 tại chỗ” tại các trung tâm dịch vụ hành chính công; linh hoạt thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể; tham mưu thêm các chỉ số để đánh giá đúng thực trạng của tỉnh; sử dụng các dịch vụ trả kết quả thủ tục hành chính, cắt giảm được thời gian cho người dân…

Các đại biểu dự cuộc họp.

 

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng thời đề nghị cơ quan thường trực tiếp thu ý kiến và hoàn thiện các kế hoạch. Định kỳ hàng quý cần họp ban chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn tồn tại, không để cuối năm mới đánh giá, mục tiêu là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp hần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí lưu ý các sở, ngành, địa phương, những việc nằm trong quy định có khả năng giải quyết được phải nhanh chóng thực hiện cho kịp thời; tổ chức quán triệt các công điện của Thủ tướng Chính phủ về rà soát và xử lý kịp thời các phản ánh của doanh nghiệp, người dân về các hành vi nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục hành chính; công khai các thủ tục, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh số hóa các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

Sở Nội vụ và các ngành liên quan quan tâm đến lựa chọn và bồi dưỡng đạo đức công vụ của cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết thủ tục hành chính. Các ngành, đia phương thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để tăng cường tuyên truyền tới doanh nghiệp; đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, chú trọng nâng cao phản hồi thông tin…

Tin, ảnh: Việt Hòa

Tin cùng chuyên mục