Có điện, có đường bê tông, đời sống người Mông Khuôn Làn từng bước khởi sắc.
Đổi thay
Thôn Khuôn Làn cách trung tâm xã Tri Phú chừng 10 km, đường đi vào thôn xưa kia là nỗi ám ảnh với nhiều người. Năm 1988, vài hộ dân từ huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) và huyện Mèo Vạc (Hà Giang) về đây lập bản, đến năm 1995 nơi đây đã có 30 hộ dân sinh sống, chia thành 2 khu Khuôn Làn và Khuổi Ngang. Cuối năm đó một số hộ dân chủ động di dân và đã sáp nhập thành như hôm nay. Toàn thôn hiện có 68 hộ dân, trong đó có 67 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo, đều là đồng bào Mông, đời sống quanh năm gắn bó với cây lúa, cây ngô, tuy không bị đói như nhiều nơi do đất đai trù phú nhưng để có “sức bật” thì đó là điều xa vời.
Anh Sơn kể, năm 2019, để từng bước nâng cao đời sống của người dân và ổn định tình hình an ninh trật tự, anh Sơn với vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phú được phân công kiêm nhiệm thêm chức danh Bí thư Chi bộ thôn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân Khuôn Làn đã từng bước đổi thay nếp nghĩ, xóa bỏ các tập tục, tư duy lạc hậu, tập trung làm kinh tế để nâng cao đời sống.
Được Nhân dân gọi là “trưởng thôn đa nghề”, anh Lý Văn Sài xuất hiện với nước da bánh mật, rắn rỏi, không giấu nổi sự vui mừng, anh hào hứng chia sẻ, tuy là thôn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tại Khuôn Làn giờ đã có trên 30 hộ gia đình nuôi gia súc lớn với hơn 80 con trâu, bò. Toàn thôn có 15 ha cây ăn quả chủ yếu là cây cam, cây bưởi và gần đây là 6 ha cây đỗ đen xanh lòng để cung cấp cho một đơn vị chế biến tại xã Kim Bình (Chiêm Hóa).
Mô hình trồng cây bưởi da xanh của anh Lý Văn Vàng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nhiều gia đình có các mô hình kinh tế tổng hợp như hộ anh Lý Văn Vàng, Phùng Văn Dinh, chị Nguyễn Thị Hoa… Anh Sài phấn khởi nói, năm nay, gia đình anh cũng thực hiện mô hình nuôi lợn đen bán hoang dã với số lượng trên 50 con, trồng 6.000 m2 đỗ đen xanh lòng. Anh còn chủ động vay vốn mua thêm máy xúc, mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu người dân.
Bừng sáng giữa đại ngàn
Giữa năm 2023, dự án đưa điện lưới quốc gia về Khuôn Làn được Sở Công thương triển khai, đến cuối năm toàn thôn đã có điện. Cũng từ ngày có điện, quán tạp hóa của gia đình trưởng thôn Sài luôn tấp nập người mua, người bán và những câu chuyện làm kinh tế, những chính sách mới đã gần hơn với bà con. Anh Sài bày tỏ, người lớn, trẻ nhỏ ai cũng vui, nhưng yên tâm nhất là dòng suối giữa thôn nay đã không còn những chiếc máy phát điện cũ kỹ, ngổn ngang dây điện sơ sài. Khi mặt trời xuống núi nhà nào cũng bừng sáng bằng ánh điện thay thế hẳn sự le lói trước kia, nhiều gia đình cũng mua sắm đồ dùng hiện đại để phục vụ sinh hoạt, cuộc sống.
Không chỉ có điện, con đường bê tông vào Khuôn Làn với chiều dài hơn 8 km đến cuối tháng 6 sẽ hoàn thành 100% các hạng mục. Từ đầu năm đến nay, nhiều thương lái đã chủ động tìm đến thôn để thu mua nông sản. Nổi tiếng trong thôn với vườn bưởi da xanh hơn 300 cây chuẩn bị cho thu hoạch, anh Lý Văn Vàng mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn hồ hởi dẫn phóng viên đi thăm vườn bưởi của gia đình. Dưới vườn bưởi quả sai lúc lỉu, anh Vàng cho biết, năm 2017, anh tích góp số tiền ít ỏi, đầu tư trồng 300 cây bưởi da xanh trên sườn đất dốc.
Do làm đầu tiên nên lúc đầu gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc, nhưng hợp thổ nhưỡng, cây bưởi lớn nhanh và bắt đầu cho quả bói sau vài năm. Mới đây, năm 2023, anh thu được gần 50 triệu đồng từ bán bưởi, nhưng hơi chật vật do khó khăn về đầu ra và khâu bảo quản chưa được tốt. Năm nay, có điện lưới nên anh mạnh dạn mua thêm quạt hơi nước, lắp đặt tại nhà để bảo quản bưởi khi vừa thu hái về, nếu thành công doanh thu phải gấp nhiều lần. Đặc biệt, để chủ động tìm kiếm thêm thị trường, anh Vàng thường xuyên chia sẻ những thước phim quảng bá vườn cây trên mạng xã hội, nếu thành công anh sẽ làm đơn xin thoát nghèo vào cuối năm 2024.
Cây đậu đen xanh lòng được trồng tại thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) với diện tích gần 6 ha.
Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phú Hứa Quang Sơn nhấn mạnh, đặc sắc của người Mông nơi đây là các lãnh đạo thôn đều là người giỏi làm kinh tế, mô hình kinh tế gì mới cũng tự làm trước để người dân nghe theo.
Bí thư Chi đoàn Phùng Văn Dinh, tuổi đời tuy trẻ nhưng đang là tấm gương “vượt nghèo” và thay đổi tư duy. Anh Dinh cho biết, lớp trẻ nếu vẫn đi theo lối mòn thì sẽ không có “bứt phá”, với sự nhạy bén, anh Dinh đã tự khởi nghiệp bằng việc trồng 150 gốc cam V2 và gần 5.000 m2 cây gừng lấy củ. Năm 2023, anh thu được gần 60 triệu đồng, số tiền chưa thực sự lớn, nhưng cũng đủ để cải tạo căn nhà và mua sắm thêm thiết bị nông cụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Người dân Khuôn Làn ngưỡng mộ anh, trẻ thế đã có của ăn, của để, nhiều đoàn viên cũng dần thay đổi tư duy, tự đứng lên lập nghiệp bằng các mô hình kinh tế trên mảnh đất quê hương.
Dạo bước trên con đường bê tông nội thôn có chiều dài 1,4 km nhưng rộng và thẳng tắp, Trưởng thôn Lý Văn Sài nói, con đường này chạy qua 60/68 hộ dân trong thôn, người dân chủ động hiến gần 3.000 m2 đất để làm đường, nhiều hộ còn di dời một phần nhà cửa… Người Mông Khuôn Làn hôm nay đã đổi thay tư duy, nếp nghĩ, các phong trào xây dựng nông thôn mới luôn được hưởng ứng nhiệt tình. Nói về tương lai, anh Sài quả quyết, chắc chắn với sự đầu tư của nhà nước và sự thay đổi tư duy của người dân thì nhiều hộ khá, giàu sẽ sớm xuất hiện trong một ngày không xa và tỷ lệ hộ nghèo trong thôn sẽ giảm khoảng 20% vào cuối năm 2025.
Gửi phản hồi
In bài viết