Chuyện xuất khẩu lao động ở Khâu Tinh

- Khâu Tinh là xã vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn của huyện Na Hang. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất sản xuất ít. Để tìm những hướng đi mới trong phát triển kinh tế là điều gần như “xa xỉ”. Vài năm trở lại đây, để nâng cao đời sống, người dân xã Khâu Tinh đã mạnh dạn đăng ký đi xuất khẩu lao động, từng bước mang lại hiệu quả, kinh tế dần khấm khá hơn.

Những người đi đầu

Dù đang bận dựng lại căn bếp của gia đình, Trưởng thôn Khau Phiêng Phùng Văn Vàng vẫn rất hào hứng kể câu chuyện về tấm gương người Mông đầu tiên đi xuất khẩu lao động tại xã Khâu Tinh. Anh còn bỏ dở công việc và dẫn chúng tôi đi xuống từng hộ.

Gia đình anh Dương Văn Quả, nằm ở tận cuối thôn Khau Phiêng. Trong căn nhà 1 gian 2 trái đơn sơ, mẹ anh Quả là bà Phùng Thị Pá vui mừng chia sẻ: cuối năm 2020, con trai bà tham gia buổi tư vấn giới thiệu việc làm, trong đó có công việc tuyển dụng công nhân làm đường tại Nhật Bản. Sau đó, Quả về bàn cùng gia đình bán 3 con trâu và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang số tiền 85 triệu đồng để đi học tiếng, học nghề và đi xuất khẩu lao động.

Ngay sau khi sang Nhật Bản, anh Quả được tiếp nhận theo đúng quy định, được bố trí chỗ ăn ở cùng người Việt, tháng lương đầu tiên được 35 triệu đồng. Anh Quả có gọi điện báo về, công việc tuy vất vả nhưng ổn định và chế độ đãi ngộ theo đúng cam kết của nhà tuyển dụng. Đến cuối năm 2021, gia đình anh Quả đã trả hết nợ ngân hàng, ngoài ra còn có vốn mua một vài ha đất rừng để anh lập nghiệp khi trở về.

Gia đình ông Chu Văn Tuyên, thôn Khau Tinh, xã Khâu Tinh có đời sống khấm khá hơn nhờ xuất khẩu lao động.

Kinh tế gia đình anh cũng từ đó khá dần. Thấy có hiệu quả, cuối năm 2022, vợ anh là chị Giàng Thị Đâng cũng xin đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với công việc làm công nhân may. Vì có vốn tích lũy trong quá trình anh Quả đi làm gửi về nên gia đình chủ động lo thủ tục khi đi. Đến thời điểm này, anh Quả đã hết hạn visa và xin gia hạn được làm việc tiếp cùng vợ, thu nhập của 2 vợ chồng đều đạt trên 50 triệu đồng mỗi tháng.

Có thu nhập, đều đặn hàng tháng anh chị đều gửi tiền về cho bà Pá nuôi 2 cháu nhỏ, đầu tư vốn cho bà chăn nuôi lợn, nuôi gà thả vườn tại gia đình. Trưởng thôn Khau Phiêng Phùng Văn Vàng nói, đây là tấm gương sáng của bản Mông, người đầu tiên đi và cũng đổi đời nhờ xuất khẩu lao động. Theo dự kiến cuối năm 2024, vợ chồng anh Quảng, chị Đâng sẽ trở về, sửa sang nhà cửa và lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Lan tỏa phong trào

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Khâu Tinh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, toàn xã hiện có 24 người đi xuất khẩu lao động, tập trung chủ yếu tại 2 thôn Khau Tinh và Khau Phiêng, thị trường chủ yếu được lựa chọn là tại Nhật Bản và Đài Loan. Tuy chỉ làm lao động phổ thông, nhưng theo thống kê mỗi người đều có mức lương từ 25 triệu đồng mỗi tháng trở lên. So với thu nhập tại địa phương đó là con số “mơ ước”, đa số lao động đều có tư duy tích lũy, gửi tiền về cải tạo nhà cửa và mua sắm thêm đất nông nghiệp để ổn định cuộc sống khi trở về.

Nằm ngay cạnh Ủy ban nhân dân xã, căn nhà mới xây trị giá 500 triệu đồng của gia đình anh Hoàng Văn Ba, thôn Khau Tinh vừa mới hoàn thành từ nguồn tiền đi xuất khẩu lao động. Đon đả tiếp nhà báo, chị Hầu Thị Đía (vợ anh Ba) giãi bày, trước đây gia đình là hộ nghèo, do đông nhân khẩu, thiếu đất sản xuất nên cứ “loay hoay” mãi không khá lên được.

Gia đình ông Chu Văn Tuyên, thôn Khau Tinh, xã Khâu Tinh có đời sống khấm khá hơn nhờ xuất khẩu lao động.

Năm 2022, anh Ba đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan qua 1 công ty được chính quyền xã bảo lãnh, chuyên ngành công nhân xây dựng. Lúc đó kinh tế còn nghèo, 2 vợ chồng cũng nhiều lo lắng, nhưng sau đó vẫn quyết định vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang số tiền 100 triệu đồng, vay thêm họ hàng để cho anh Ba đi xuất khẩu.

Lúc mới sang Đài Loan, anh Ba có chia sẻ cùng vợ về công việc làm công nhân xây dựng khá vất vả, lại hay làm ở vùng biển nên anh cũng hay mắc các bệnh về hô hấp, tuy nhiên được sự quan tâm của đơn vị sử dụng lao động, công việc cũng dần ổn định. Chị Đía cho biết, mỗi tháng thu nhập của chồng đều đạt từ 35 đến 40 triệu đồng. Cuối năm 2023, chị đầu tư một phần tiền xây dựng căn nhà mới và dành dụm vốn khi anh Ba trở về sẽ phát triển chăn nuôi gia súc lớn và làm kinh tế rừng, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực tế, ở Khâu Tinh, nhiều cá nhân đi xuất khẩu lao động bằng sự năng động đã có thể nâng cao thu nhập nơi xứ người. Anh Chu Đức Mạnh, thôn Khau Tinh tuy mới ngoài 20 tuổi nhưng khiến lớp trẻ trong xã nể phục. Giữa năm 2023, anh Mạnh xin phép bố mẹ đầu tư 180 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Ngay khi sang miền đất mới, ngoài những giờ làm việc tại các trang trại nông nghiệp, anh Mạnh nhận thấy nhu cầu chạy vận tải hàng hóa rất cao, với sự nhạy bén của người trẻ, anh cùng vài người bạn Việt Nam đã tự đăng ký học bằng lái xe ô tô, “hùn vốn” mua xe ô tô để chạy vận tải hàng hóa. Không giấu nổi niềm tự hào, bố anh, ông Chu Văn Tuyên nói, đến thời điểm này anh Mạnh đã gửi về cho gia đình được hơn 100 triệu đồng. Để động viên con, hàng tuần, ông đều gọi điện hỏi han tình hình, tiếp thêm động lực để con trai cố gắng hoàn thành tốt công việc.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã, xuất khẩu lao động thực sự đang là hướng đi đúng và trúng cho địa phương. Để người dân yên tâm đi xuất khẩu, chính quyền xã cũng thường xuyên liên kết, tìm kiếm các công ty tuyển dụng có uy tín, để tiết kiệm nhất chi phí cho người dân. Anh Hùng dự đoán, cứ đà này, khi lao động trở về sẽ làm thay đổi bộ mặt địa phương trong tương lai gần bởi sự nhạy bén trong phát triển kinh tế, chắc chắn xã Khâu Tinh sẽ ngày càng đổi thay.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục