Ấn phẩm “Nhâm nhi Tết Ất Tỵ” của Nhà xuất bản Kim Ðồng.
Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Nguyễn Thúy Hằng chia sẻ: “Ðiều làm nên sự độc đáo của ấn phẩm chính là sức hút của từng tác phẩm. Mỗi sáng tác đều chứa đựng những tâm tư, thẩm mỹ sâu sắc nhất về Tết và cuộc sống. Bên cạnh đó, ấn phẩm còn có chuyên đề “Ấn tượng 2024”, nơi các nhà văn ba thế hệ viết tay về những ấn tượng hoặc ám ảnh trong năm qua”.
Sách “Tết Ất Tỵ 2025” của Công ty cổ phần Văn hóa Ðông A cũng đang là lựa chọn lý tưởng của nhiều bạn đọc. Ðược thiết kế tinh tế với bìa sách gợi nhớ trò chơi dân gian “rồng rắn lên mây”, ấn phẩm hòa quyện vẻ đẹp văn hóa, thơ ca, nhạc họa, và khúc dạo đầu mùa xuân.
Ðội ngũ biên tập viên đã nỗ lực hướng đến sự phù hợp với mọi đối tượng, vừa mang lại ký ức và hoài niệm cho người lớn tuổi, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về phong tục Tết xưa. Cuốn sách gồm 22 sáng tác thơ, văn, tranh của nhiều tác giả.
Ðiểm nhấn của thị trường sách Tết năm nay chính là sự gia nhập của những đơn vị xuất bản mới, mang đến những ấn phẩm thú vị dành cho trẻ em. Cuốn sách “Tết là nhất - 100 từ vựng đầu đời” của tác giả Thư Nhiên, với minh họa của họa sĩ Thùy Cốm, do Crabit Kidbooks liên kết Nhà xuất bản Hà Nội phát hành vừa giúp trẻ làm quen với những từ vựng về Tết vừa tạo ra một không gian học tập thú vị.
Trong khi đó, San Hô Books cho ra mắt bộ sách “Muôn miền Tết”, giới thiệu đến trẻ em các phong tục đón Tết đặc trưng của nhiều vùng miền trên cả nước. Mùa sách Tết năm nay còn chứng kiến sự tham gia của các tác giả đầy tâm huyết với những cuốn sách dành cho trẻ em như Văn Thành Lê với “Tết phương Nam - Gia đình là nhất - Ú òa” - một cuốn sách thơ đặc sắc, giúp trẻ cảm nhận được không khí Tết ở cả hai miền nam-bắc, được trình bày theo kiểu đọc từ hai đầu, tạo nên sự khác lạ.
Năm nay, các nhà xuất bản không chỉ phát hành sách văn học, mà còn có những ấn phẩm đặc biệt về Tết, như: sách tranh, sách ảnh, hoặc các ấn phẩm đa phương tiện kết hợp giữa văn học và nghệ thuật thị giác xoay quanh chủ đề phong tục Tết, hướng dẫn tự làm đồ trang trí, món ăn truyền thống, trò chơi dân gian…
Cùng với sự tham gia của các tác giả, đội ngũ họa sĩ trẻ đã làm nên nét tươi mới, rộn ràng cho sách Tết. Có thể kể đến “Tết ba miền” của họa sĩ Lê Rin tái hiện những phong tục Tết truyền thống, như: trồng cây nêu, lễ cúng Ông Công Ông Táo, Tết ở thành thị và nông thôn với nét vẽ độc đáo. Những minh họa của họa sĩ Thùy Cốm trong “Tết là nhất” khai thác những trải nghiệm cá nhân về Tết ở Hà Nội.
Một trong những lý do khiến sách trở thành món quà Tết được yêu thích là vì tính phù hợp với mọi đối tượng. Các bậc phụ huynh có thể tặng con cháu những cuốn sách về phong tục, giúp các em hiểu hơn về truyền thống của dân tộc. Trong khi đó, giới trẻ có thể lựa chọn những cuốn sách về văn hóa đương đại, những câu chuyện cảm động về gia đình, tình bạn, tình yêu, hoặc động lực phát triển bản thân. Ðiều này khiến sách trở thành món quà vừa mang tính giáo dục, vừa phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng người.
Gửi phản hồi
In bài viết