Bảo đảm an toàn giao thông trong kỳ nghỉ lễ 2/9 và đầu năm học mới. (Ảnh minh hoạ)
Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, các trục chính ra vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm; các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến tàu, nhà ga, các điểm đang thi công.
Kịp thời khắc phục sự cố, tai nạn, nhất là trên những tuyến giao thông. Phối hợp đơn vị chức năng của ngành Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, hộ lan, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang, gờ giảm tốc tại các nút giao thông, đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế, những vị trí mở đường dân sinh....
Tổ chức đánh giá, khảo sát xác định các “điểm đen” về tai nạn giao thông; những vị trí thường tập trung đông người dọc các tuyến giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để có giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Bộ Công an yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông; hỗ trợ, giúp đỡ người dân đi lại trong dịp nghỉ lễ bằng những hành động thiết thực, góp phần giúp người dân giảm bớt vất vả, khó khăn trong quá trình di chuyển.
Kiên trì vận động nhân dân thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô-tô, xe máy, xe đạp điện”; “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô-tô”; tuân thủ quy tắc giao thông; phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thủy nội địa...
Tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để triển khai thực hiện “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - Tháng 9” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh đến trường, nhất là trong những ngày đầu khai giảng, không được để xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trong ngày đầu đến trường; nắm bắt tình hình tại các cổng trường học, việc chấp hành của học sinh, sinh viên, đặc biệt là việc giao xe của phụ huynh cho học sinh, sinh viên chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Chủ động phối hợp với ngành Giáo dục đào tạo tăng cường tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục, trường học, với các hình thức phù hợp, như đăng tải các bài viết trên các trang mạng xã hội của các cơ sở giáo dục, báo cáo trực tiếp tại các chương trình ngoại khóa, chương trình học, tuyên truyền tại khu vực cổng trường cho phụ huynh học sinh, gửi tin nhắn qua zalo, các ứng dụng mạng xã hội...
Hướng dẫn học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh các kỹ năng tham gia giao thông an toàn như: đi bộ, sang đường; đi phà, đi thuyền; điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe đạp; ngồi trên ô-tô đi học, thăm quan, dã ngoại an toàn và thoát hiểm khi gặp các tình huống giao thông nguy hiểm ...”.
Phân công lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát tại khu vực các trường học để xử lý nghiêm học sinh, sinh viên sử dụng xe mô-tô, xe máy điện, xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ; kiểm soát, xử lý nghiêm phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn kỹ thuật và không đủ các trang thiết bị an toàn cần thiết.
Gửi phản hồi
In bài viết