Còn nhiều bất cập
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.882 đầu điểm công trình thủy lợi và hơn 3.700 km kênh mương cấp nước phục vụ sản xuất. Cùng với chức năng bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, các công trình này còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Qua kiểm tra đánh giá của ngành Nông nghiệp, các đập, hồ chứa cơ bản đều đảm bảo an toàn, sẵn sàng tích nước trong mùa mưa. Tuy nhiên, phần lớn các công trình được đầu tư từ lâu, một số hồ chứa đã bị hư hỏng xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng dẫn đến dung tích trữ nước bị hạn chế, không đảm bảo như thiết kế.
Sơn Dương là một trong những huyện có nhiều hồ đập nhất tỉnh với 418 công trình, trong đó có 204 công trình hồ chứa và hơn 100 đập dâng. Đây cũng là địa phương có nhiều công trình “già cỗi” đang được nâng cấp, sửa chữa. Những năm gần đây, từ việc lồng ghép các nguồn vốn một số chương trình, dự án, một số hồ đập đã được nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hồ chứa, đập thủy lợi qua nhiều năm khai thác, sử dụng đã xuống cấp, chưa được nạo vét lòng hồ, nhiều hạng mục công trình bị xuống cấp ảnh hưởng đến sản xuất và an toàn công trình.
Bên cạnh đó, nhiều đập, hồ thủy lợi của huyện chưa chưa cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước dẫn đến khó khăn trong quản lý. Năm 2018, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ để xử lý cấp bách các công trình hồ chứa nước bị hư hỏng do ảnh hưởng bão, lũ hồ Bồ Hòn trên địa bàn xã Tú Thịnh được đầu tư sửa chữa với tổng số vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng, hồ được bàn giao đi vào hoạt động năm 2020 các hạng mục công trình cơ bản đảm bảo an toàn, phục vụ tưới tiêu cho hơn 30 ha lúa của xã. Tuy nhiên, do nằm dọc trên tuyến Quốc lộ 37 nên người dân sống tập trung nhiều bên bờ đập, tình trạng lấn chiếm hành lang đập hay xả rác thải vẫn xảy ra ảnh hưởng đến an toàn, hiệu quả công trình, gây khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai.
Nhà thầu gia cố mái đập phía thượng lưu hồ Khuổi Luông, xã Khuôn Hà (Lâm Bình).
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý các công trình thủy xã Tú Thịnh cho biết, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, phối hợp với các đoàn thể thôn tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân sống gần hành lang đập không lấn chiếm hành lang an toàn đập, không xả rác ra hồ gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây mất an toàn đập. Trong đó, năm 2021 xã đã nhắc nhở 1 hộ gia đình thao dỡ lán xây dựng trái phép trong lòng hồ.
Giải pháp tối ưu
Trong năm 2020 và năm 2021 có 6 hồ chứa lớn trên địa bàn huyện Sơn Dương được đầu tư sửa chữa từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), tổng nguồn hơn 65,3 tỷ đồng. Việc sửa chữa nâng cấp công trình nhằm phát huy nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh; đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập, cải tạo cảnh quan môi trường vùng dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong vùng. Quy mô xây dựng gồm sửa chữa, nâng cấp công trình hồ chứa bao gồm các hạng mục chính: Đập đầu mối, tràn xả lũ, cống lấy nước, đường quản lý vận hành kết hợp cứu hộ cứu nạn, nhà quản lý.
Là một trong những hồ thủy lợi lớn trên địa bàn huyện Lâm Bình, hồ Khuổi Luông, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cung cấp nước tưới cho 6 thôn trên địa bàn gồm: Nà Vàng, Nà Muông, Lung May, Ka Nò, Hợp Thành, Nà Ráo. Hồ có diện tích 30 ha, dung tích thiết kế 85%, chiều dài đập 118,9 m trước khi được đầu tư tu sửa là đập đất với hệ thống cống lấy nước, tràn xả lũ bê tông. Qua kiểm tra nhận thấy, cao trình đập không đảm bảo an toàn theo quy định; trên mái đập xuất hiện dòng thấm trên cao trình; rãnh thoát nước xây bằng đá lâu ngày đã xuống cấp nhiều điểm xói lở. Van xả phía hạ lưu có hiện tượng rò rỉ do hỏng gioăng và nhà van bị bong tróc. Năm 2021, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), công trình đập Khuổi Luông được đầu tư hơn 11,9 tỷ đồng sửa chữa, gia cố đập. Hiện công trình đang được thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Hồ Đèo Chắp, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) là đập đầu mối đang được đầu tư tu sửa các hạng mục như: Tôn cao mái đập, gia cố mặt đập bằng bê tông; xử lý thấm cho thân đập bằng biện pháp khoan phụt dung dịch vữa xi măng; gia cố thượng đập bằng bê tông cốt thép; gia cố hạ lưu bằng bê tông với hệ thống rãnh thoát nước. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 6,4 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Hiện nay, việc nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước bị xuống cấp đã và đang được tỉnh triển khai bằng nhiều biện pháp cụ thể, song cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn kinh phí hạn hẹp. Việc khắc phục khó khăn trong công tác quản lý, vận hành các công trình hồ chứa cũng không dễ và cần nhiều thời gian, bởi số lượng hồ chứa nhiều, nằm phân tán trên địa bàn rộng, nhiều đầu mối quản lý. Nhân lực trực tiếp quản lý hồ đập thiếu, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, việc bảo đảm an toàn hồ đập không chỉ là tu sửa, nâng cấp. Giải pháp tối ưu nhất thời điểm này của ngành Nông nghiệp là tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, từ đó có các giải pháp điều tiết lượng nước trong hồ hợp lý đảm bảo an toàn cho công trình trong những tháng mùa mưa lũ sắp tới.
Gửi phản hồi
In bài viết