Chủ động linh hoạt trong sản xuất
Sở Công Thương đã xây dựng Chương trình khuyến công tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp để đảm bảo duy trì công suất hoạt động của các nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn như Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Nhà máy sản xuất gang thép Tuyên Quang, các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang...
Lãnh đạo Sở Công Thương và huyện Chiêm Hóa kiểm tra tình hình sản xuất tại
Nhà máy Ferromangan Chiêm Hóa. Ảnh: Quang Hòa
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai các biện pháp phòng dịch Covid-19, ứng phó với giá cả nguyên liệu đầu vào tăng và chủ động, linh hoạt tìm giải pháp sản xuất ổn định. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh trong quý I - 2022 (giá so sánh 2010) đạt 3.225,8 tỷ đồng, đạt 18,4% kế hoạch, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ như bột barite tăng 288%, gỗ tinh chế tăng 69,2%, chè chế biến tăng 17,6%, xi măng tăng 13,9%, hàng dệt may tăng 13% so với cùng kỳ.
Đưa 15 chuyền may mới vào sản xuất trong quý I-2022, Tổng Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG triển khai sản xuất quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm. Ông Nguyễn Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty May Tuyên Quang LGG cho biết, đảm bảo đơn hàng xuất khẩu, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để giữ nhịp độ sản xuất ổn định như, bố trí xe đưa đón công nhân, thi thợ giỏi, thưởng cho chuyền may có thành tích tốt; tăng chất lượng cơm ca; test sàng lọc Covid-19 cho công nhân; bố trí giãn ca... Chính vì thế 24 chuyền may giữ được nhịp độ sản xuất và hoàn thành đơn hàng trong quý I. Đây là tín hiệu vui với đơn vị cũng như người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Để đảm bảo sản xuất, công ty đã thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành Y tế về phòng chống dịch. Công ty phấn đấu năm 2022 đạt 6 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 6 - 7 triệu USD.
Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Sản phẩm may mặc xuất khẩu sang thị trường các nước Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu...
3 tháng đầu năm, sản phẩm giấy in viết, photo thành phẩm của Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã xuất khẩu 100 tấn, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Quý I - 2022 công ty đã triển khai nhiều giải pháp chống dịch Covid-19 thích ứng với tình hình mới. Công ty chủ động kết nối chuỗi cung ứng, chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
Nỗ lực bù đắp sản phẩm thiếu hụt
Tuy giá trị sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng đạt thấp so với kế hoạch năm 2022 (đạt 18,4% kế hoạch). Một số sản phẩm chủ yếu trong sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch như bột Cao lin Feldspar, bột giấy, chè chế biến các loại, sản xuất mía đường gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà máy dừng sản xuất để sửa chữa.
Công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang gia công sản phẩm xuất khẩu.
Để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, các công ty đã mở rộng sản xuất đối với các sản phẩm có thị trường tiêu thụ để bù đắp các sản phẩm thiếu hụt.
Ngay những ngày đầu quý II, Công ty TNHH Feldspar An Bình, Khu công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương) đã tăng tốc sản xuất sản phẩm bột Cao lin Feldspar nhằm bù đắp thiếu hụt quý I do thời gian nghỉ Tết và nghỉ do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Công ty cho biết, Ban lãnh đạo công ty đã tìm các giải pháp để tăng cường sản xuất. Theo đó, công ty rà soát các khâu trong quản lý và sản xuất nhằm tiết giảm tối đa chi phí, đàm phán với các đối tác nhằm giảm giá mua vật tư, phụ tùng ở mức hợp lý nhất. Công ty cũng tiến hành lắp đặt các thiết bị chuyên dùng cho các động cơ chính của dây chuyền sản xuất nhằm giảm chi phí điện năng, hạ giá thành sản phẩm; lắp đặt hệ thống khử sắt ngoại lai phát sinh trong quá trình nghiền nhằm loại bỏ tối đa các tạp chất có hại có trong sản phẩm. Các sản phẩm của công ty hiện cung cấp cho các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Công ty phấn đấu đạt 150.000 tấn năm 2022, doanh thu khoảng 72 tỷ đồng.
Ngoài nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất 50.000 sản phẩm xuất khẩu của năm 2022, Công ty TNHH Bao bì DHT Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) đang tiến hành các thủ tục đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu đạt công suất 700 nghìn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng. Anh Bùi Văn Hưng, phụ trách Công ty TNHH Bao bì DHT cho biết, chính thức sản xuất giai đoạn 1 vào tháng 7-2021, hiện nay nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định với 70 công nhân, mỗi tháng sản xuất ổn định 4.000 sản phẩm bao bì xuất khẩu. Chính vì thế, công ty đã quyết định đẩy nhanh tiến độ đầu tư giai đoạn 2 để đáp ứng nhu cầu của bạn hàng quốc tế.
Tại Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa), Nhà máy Ferromangan Chiêm Hóa của Công ty cổ phần Thương mại vận tải Trường Hải Thái Nguyên đang hoạt động hết công suất 12.000 tấn sản phẩm/năm. Quý I, nhà máy đã đóng góp trên 15% giá trị sản xuất công nghiệp huyện Chiêm Hóa. Ông Đồng Quyết Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại vận tải Trường Hải Thái Nguyên cho biết: Nhà máy hoạt động hiệu quả, công ty đã quyết định đầu tư giai đoạn 2 ngay đầu năm 2022 với tổng kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng, công suất dự kiến đạt 60.000 sản phẩm/năm; dự kiến năm 2023, dự án đi vào hoạt động sẽ có 5 lò luyện Ferromangan, sản lượng đạt 75.000 tấn sản phẩm/năm, tổng doanh số đạt 2.500 tỷ đồng, đóng góp khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn huyện Chiêm Hóa.
Công nhân Công ty TNHH Feldspar An Bình, Khu công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương) kiểm tra dây chuyền sản xuất.
Ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đang khuyến khích các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ khá ổn định tăng công suất, sản lượng tối đa; đồng thời, quan tâm đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất và khâu phân phối, phát triển thị trường. Đồng thời, tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực ngành: Các dự án thủy điện; dự án mở rộng Nhà máy Giấy An Hòa; mở rộng Nhà máy Thép Tuyên Quang... Đồng thời đưa các dự án mới như Dự án nhà máy chế biến gỗ tại huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Khu công nghiệp Long Bình An; các nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương)... đi vào hoạt động, tạo thêm sản phẩm và góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết