Bộ NN&PTNT họp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố về ứng phó với cơn bão Yagi - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vào 14h hôm nay, bão số 3 ở vị trí 19,1 độ Vĩ Bắc, 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam 710km, cường độ cấp 12 giật cấp 15. Sau khi vào biển Đông, bão số 3 di chuyển nhanh, đã tăng tới 4 cấp.
Theo ông Khiêm, hiện nay khu vực biển Đông có nhiều yếu tố thuận lợi về nhiệt độ, gió để kích hoạt bão số 3 mạnh hơn. Các dự báo của Việt Nam và quốc tế đều thống nhất về quỹ đạo, cường độ, bão sẽ còn tiếp tục mạnh lên cấp 16, thậm chí cao hơn. Việt Nam cũng nhận định bão sẽ mạnh lên cấp 15.
"Chúng tôi đang theo dõi sát bão số 3, từ chiều tối nay sẽ tiếp tục phân tích. Khi đạt cấp 16, bão số 3 sẽ trở thành siêu bão, gây ra nhiều tác động đến nước ta. Lúc đó, chúng ta sẽ phải điều chỉnh phương án chỉ đạo khác", ông Khiêm cho hay.
Do ảnh hưởng của bão số 3, theo dự báo từ đêm 6 - 7/9, bão số 3 sẽ vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ cường độ cấp 12-13, giật cấp 15 hướng về phía Bắc Bộ. Vùng ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12. Từ ngày 7 đến ngày 9/9, sẽ có mưa lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, với lượng mưa dự báo đến 200-300mm, có nơi trên 500mm. Nguy cơ rất cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý. Trong đó, có 3 công trình đang thi công, một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục.
Theo ông Luận, các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10 và triều trung bình 5%. Do đó, với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16 khi bão số 3 vào Vịnh Bắc Bộ, nguy cơ cao các tuyến đê có thể bị thiệt hại. Ngoài ra, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An hiện có 49.380 ha, hơn 19.100 lồng, bè và hơn 3.800 chòi canh nuôi thuỷ sản.
Các địa phương cần rà soát lại tình hình sản xuất để chủ động phương án ứng phó, đồng thời xem xét cho học sinh nghỉ học khi bão đổ bộ.
Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Văn Khanh, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đến chiều 4/9, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.137 tàu cá/219.864 người, trong đó có 504 tàu/3.356 người đang hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực nguy hiểm) biết về hướng đi của bão để di chuyển về khu vực an toàn.
Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú. Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9.
"Có tình trạng một số tàu cá vẫn tranh thủ đánh bắt. Ngoài thuyền viên đang ở trên biển, các địa phương cần vận động các chủ tàu ở trong đất liền thông báo cho các tàu về nơi tránh trú an toàn", đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay.
Đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng, cho biết, hiện các Quân khu 1 đến Quân Khu 5 đã sẵn sàng lực lượng, huy động hơn 45.000 chiến sĩ túc trực và hơn 4.000 tàu thuyền, máy bay ứng phó với cơn bão số 3.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, theo các dự báo hiện nay, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, lâu lắm mới có cơn bão mạnh như thế. Khu vực bão đổ bộ cũng chính là vùng trọng điểm về công nghiệp và nông nghiệp phía Bắc ở nước ta.
"Có khoảng 20 nghìn lồng cá, 1 triệu ha lúa mùa nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, trong đó một nửa lúa đang trổ đòng, chỉ cần mưa ngập khoảng 24 tiếng là hư hỏng, chưa tính đến hoa màu. Do đó nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn nếu chúng ta không có phương án phòng chống kỹ càng", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng cần dự báo sát, đúng tình hình bão số 3. Vào chiều mai (5/9) sẽ tròn 48 tiếng trước khi bão đổ bộ nên phải có dự báo chuẩn để có thể ra các kịch bản phòng chống.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là cơn bão mạnh hiếm gặp trong vòng 10 năm trở lại đây. Do đó, các địa phương cần chủ động công tác phòng chống để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.
Gửi phản hồi
In bài viết