Là một trong số ít các Thủ đô, thành phố trên thế giới có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, Thăng Long - Hà Nội trải qua hơn một ngàn năm với biết bao biến đổi, thăng trầm, đã trở thành mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ khí thiêng sông núi, là “trái tim của cả nước” - nơi kết tinh và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam. Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa lịch sử, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của Thủ đô. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn - thân thiện” ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Di sản văn hóa Thủ đô, với những nỗ lực mạnh mẽ, đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, đã tham mưu để Thành ủy, UBND thành phố sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với những điều, khoản cụ thể trong lĩnh vực văn hóa; tham mưu để UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, bao gồm chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; nghiên cứu đổi mới tổ chức nhiều hình thức để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, bảo đảm sự an toàn cho các điểm di tích, di sản... Kết quả đó có phần không nhỏ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý, các bộ nghiệp vụ và rất nhiều tổ chức, cá nhân yêu di sản.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Bằng chủ trương phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, Hà Nội chủ trương xây dựng Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa với những mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, trước mắt là thực hiện các cam kết, xây dựng và phát triển Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO.
“Ngành văn hóa Thủ đô mong mỏi tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự phối hợp giúp đỡ của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cùng các nhà khoa học; sự phối hợp của các cấp, ngành, cùng các tầng lớp nhân dân để sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp”, ông Đỗ Đình Hồng khẳng định.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức, vai trò của văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Phó Giáo sư Trần Lâm Biền nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn nói hội nhập nhưng không hoà tan. Vậy làm thế nào để không hòa tan. Trước hết, chúng ta phải khẳng định, phải nhận thức chúng ta là ai. Di sản chính là yếu tố để khẳng định điều ấy. Việc quan tâm bảo tồn di sản chính là cái gốc trong xây dựng, phát triển văn hóa".
Còn theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, hiện nay, để văn hóa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, thì chỉ có con đường phát triển công nghiệp văn hóa. Với kho tàng di sản phong phú của mình, Hà Nội cần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa từ vốn di sản, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Để làm được điều này, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; chú trọng nhân tố con người trong bảo tồn, phát huy giá trị, đưa di sản vào học đường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản.
Gửi phản hồi
In bài viết