Theo Phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, dân tộc Tày chiếm hơn 30% dân số huyện Sơn Dương, chủ yếu tập trung tại xã Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Hợp Hòa, Hợp Thành. Hiện tại, tiếng nói của người Tày đang dần bị mai một. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu là do trẻ em tập trung học tiếng phổ thông để phục vụ cho việc học mất đi thói quen giao tiếp bằng tiếng Tày với nhau trong cuộc sống hàng ngày và việc tuyên truyền vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa còn hạn chế…
Người trẻ là dân tộc Tày ở Sơn Dương hiện nay phần đông không nói được tiếng của dân tộc mình. Anh Hoàng Mạnh Hải, xã Trung Yên, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 đại học cho biết, ngày nhỏ anh cũng nói được một vài câu ngắn. Nhưng khi đi học, giao tiếp hầu hết bằng tiếng phổ thông, ngay cả người trong gia đình cũng sử dụng tiếng phổ thông nên anh đã không còn nói được tiếng của dân tộc mình. Bây giờ, nhiều lúc anh cũng muốn học nhưng không có thời gian và không tìm được người dạy.
Chị Đàm Thị Hiền, Chủ nhiệm câu lạc bộ Hát Then - đàn Tính cội nguồn xã Trung Yên (Sơn Dương)
dạy hát Then - đàn Tính cho các em học sinh trường Tiểu học Tân Trào.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình còn hạn chế. Vấn đề truyền dạy chưa được quan tâm, chú trọng, sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương chưa thật sự mang lại hiệu quả. Ông Hoàng Ngọc, người cao tuổi thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết, những giá trị văn hóa của người Tày cần được bảo tồn dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, cần phải tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân mới mang lại hiệu quả.
Trước thực trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; mở các lớp truyền dạy, duy trì phát triển các câu lạc bộ Hát then, đàn Tính, đặc biệt các câu lạc bộ ở trong trường học… Nhiều câu lạc bộ hát Then, đàn Tính được thành lập như ngọn lửa thổi bùng lên những người đam mê, mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chị Đàm Thị Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hát Then - đàn Tính cội nguồn xã Trung Yên chia sẻ, ngay từ nhỏ chị đã được mẹ cho đi hát giao lưu trong các lễ hội như: Hội xuống đồng, mừng cơm mới, cùng các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Tày bên dòng sông Phó Đáy, tiếng đàn Tính ngấm dần trong chị từ lúc nào không hay. Vì vậy năm 2018, chị cùng với những người yêu thích hát Then đã thành lập Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính cội nguồn. Chị Hiền đã sưu tầm và sáng tác được hơn 100 làn điệu, bài hát mới để truyền dạy cho con gái mình và các em học sinh trường Tiểu học Tôn Đức Thắng và trường Tiểu học Tân Trào. Hiện tại câu lạc bộ có 29 thành viên, thành viên nhỏ tuổi nhất mới 7 tuổi. Câu lạc bộ thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào vào các ngày trong tuần.
Để bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc gắn với việc phát triển du lịch tại địa phương, Hội LHPN xã Tân Trào đã thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ hát Then - đàn Tính” vào tháng 6-2022. Chị Triệu Thị Lam Hạnh, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, câu lạc bộ được thành lập với 17 thành viên. Câu lạc bộ tổ chức luyện tập hàng tuần, các thành viên sưu tầm các làn điệu then để luyện tập phục phụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương và phục vụ khách tham quan du lịch trải nghiệm.
Chị Phạm Thị Lý, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện quan tâm và đặt là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, phòng đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số của huyện giai đoạn 2020 - 2025 và thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai các công tác bảo tồn trong đó có việc bảo tồn tiếng nói và các loại hình văn hóa của người Tày.
Gửi phản hồi
In bài viết