Chị Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội là một trong những người gắn bó lâu nhất ở đây. Chị cho biết, năm 1995, sau khi tốt nghiệp ngành y dược, chị bắt đầu công tác tại đây. Khi đó, trung tâm trực tiếp làm công tác cai nghiện ma túy, chị được phân công cấp phát thuốc cho các đối tượng. Đến năm 1998, khi Chương trình hành động phòng, chống ma túy được triển khai thực hiện, các đối tượng nghiện được đưa về từng địa phương quản lý thì trung tâm trở thành ngôi nhà chung của những người khuyết tật, trẻ mồ côi và người già neo đơn. Tại đây, bên cạnh công việc điều dưỡng, chăm sóc người già, người khuyết tật, trẻ mồ côi, các cán bộ, nhân viên cũng thường bận rộn với những việc không tên. Từ việc nhỏ nhất như dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, trồng cây, đến sửa chữa đồ đạc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong trung tâm.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội chăm sóc trẻ mồ côi.
Hiện trung tâm có 8 cán bộ nữ trực tiếp làm công tác chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, người cao tuổi. Hầu hết đều là những người gắn bó lâu dài trên 10 năm như chị Bế Hồng Ngọc, Hà Thị Huệ, Nguyễn Thị Giang… Các chị bảo rằng, những đối tượng vào đây đều có một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau nhưng ai cũng đáng thương. Đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, trẻ khuyết tật không may mất cả cha lẫn mẹ, người già neo đơn không con cháu… Vì vậy, bên cạnh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, mọi người cũng cảm thông, sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn như yêu thương chính người thân trong gia đình của mình.
Hàng ngày cứ 5h30 sáng, chị Nguyễn Thị Giang, tổ 15, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) lại dậy sắp xếp công việc gia đình rồi đến trung tâm. Chị bảo, khó khăn nhất đó là việc giao tiếp với các cụ già. Có một số cụ người dân tộc thiểu số không nói được tiếng Kinh, một số cụ không còn minh mẫn nên mỗi khi cán bộ vào dọn dẹp lại quát mắng hoặc không cho làm việc. Ấn tượng nhất với chị đó là cụ Nguyễn Phúc Phấy người Lâm Bình. Những năm đầu xuống trung tâm, cụ chưa quen với việc mặc áo ấm, đắp chăn ấm mùa đông mà chỉ thích sưởi bằng lửa. Dần dần, được sự quan tâm, động viên của các cán bộ, nhân viên trong trung tâm, cụ cũng dần hòa nhập được với đại gia đình mới. Để vượt qua được những khó khăn trong công việc đó, mỗi người làm công tác xã hội cần nhiều yêu thương, sự thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia...
Năm nay đã 87 tuổi, cụ Nguyễn Thị Trường, xã Tam Đa (Sơn Dương) đã có hơn 20 năm gắn bó với trung tâm. Tuy mang trong mình nhiều bệnh tuổi già như đau nhức xương khớp, bệnh tim, bệnh phổi thế nhưng công việc sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, dọn phòng, rửa bát đũa bà vẫn tự mình làm. Bà bảo, khi còn có thể tự làm việc thì mình cố gắng, để cho những cán bộ nuôi dưỡng đỡ vất vả.
Bằng tình yêu thương, sự cảm thông chân thành cùng trách nhiệm trong công việc, những cán bộ tại Trung tâm Công tác xã hội đã đem đến cho trẻ mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật không nơi nương tựa một mái ấm gia đình mới. Ở đó, các đối tượng yếu thế đã được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ, xóa bỏ mặc cảm, tự ti để hòa nhập cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết