Bảo vệ Di sản mo Mường trước nguy cơ mai một: Khẩn cấp bảo vệ di sản ''đang sống''

Mo Mường là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường. Những giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nghệ thuật trong mo Mường vô cùng phong phú, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Mường với những đặc trưng văn hóa tộc người điển hình. Tuy nhiên, di sản này đang phải đối mặt nguy cơ mai một.

“Viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa dân gian Mường

Đồng bào dân tộc Mường hiện sinh sống chủ yếu ở 7 tỉnh, thành trên cả nước, gồm Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ và Đắk Lắk, trong đó, đông đảo nhất là tỉnh Hòa Bình. Người Mường có niềm tin tín ngưỡng về nguồn gốc hình thành nên dân tộc mình, được thể hiện rõ nét qua di sản mo Mường - áng sử thi phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ. 

Là nghề cổ truyền còn lưu truyền đến ngày nay, nghề mo là sản phẩm văn hóa tín ngưỡng của tục thờ tổ tiên - một phong tục đẹp. Mo là một loại hình nghi lễ gắn với tín ngưỡng do thầy mo thực hiện. Thầy mo là người am hiểu phong tục, tập quán, luật lệ và là người rất có uy tín, được người dân tôn trọng, tin tưởng.

Các thầy mo thường được coi là “điểm tựa tinh thần” của người Mường bởi sự gắn bó trong suốt vòng đời của con người. Khi cất tiếng khóc chào đời, ông mo thực hiện các nghi lễ cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Đến tuổi trưởng thành, không thể thiếu ông mo trong đám cưới, lễ mừng nhà mới, lễ kéo si... Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường trời, ông mo là “cầu nối” giữa người sống với người mất, đưa hồn ma về với tổ tiên an lành, mát mẻ.

Bên cạnh đó, mo Mường còn là phương tiện giao tiếp, bày tỏ lòng tôn kính đối với các lực lượng siêu nhiên và tổ tiên con người, là phương tiện để truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên, vũ trụ, đồng thời góp phần gìn giữ phong tục, tập quán của đồng bào Mường. 

Theo Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), mo Mường là một chỉnh thể nguyên hợp về văn hóa dân gian, bao gồm các loại hình: Văn học dân gian (các áng sử thi), diễn xướng dân gian (âm nhạc, múa, sân khấu); là hình thức chuyển tải nội dung tín ngưỡng gắn với các lễ nghi dân gian... Với những giá trị đó, mo Mường thực sự là “viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa dân gian của người Mường nói riêng và của người Việt nói chung.

Đối mặt với nhiều tác động tiêu cực

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mo Mường đang phải đối mặt với các tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa và làn sóng văn hóa ngoại lai. Theo các nghệ nhân trực tiếp thực hành mo Mường, xu hướng giản lược lễ thức trong quá trình thực hiện các quy định về tang văn minh đã khiến nhiều lễ thức mo được lược bỏ.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng nêu thực trạng: “Sự giản lược mo, một mặt đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống tinh thần người Mường, mặt khác cũng làm phai nhạt nhiều yếu tố được bảo lưu trong quá trình hành lễ mo... Số lượng người làm mo đang giảm dần và già hóa. Một số ông mo đã dùng chữ quốc ngữ để ghi nhớ nội dung lời mo. Hiện tượng “văn bản hóa” lời mo một mặt góp phần bảo lưu vốn lời mo, mặt khác cũng làm giảm tính thiêng của nghi lễ”.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức mo hiện nay, bên cạnh những vật thiêng (khót, khéng, quạt, mũ của ông mo), vật thờ (cờ, đồ tư tế), vật tế (cây bông, cây hoa, tờ tiền, quả còn, thúng gạo) có nguồn gốc bản địa cũng du nhập những yếu tố mới của đời sống hiện đại như ảnh thờ, tiền âm phủ... Hay tình trạng sân khấu hóa, biểu diễn mo trong một số lễ hội khiến người xem không thấy được niềm cộng cảm thiêng liêng của những người sống với người mất, đã làm nhạt đi tính biểu tượng, tính thiêng của nghi lễ mo truyền thống.

Đề cập tới giá trị của ngôn ngữ mo Mường cũng như sự biến đổi đáng tiếc dẫn đến nguy cơ mai một di sản, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Nợi nói: “Một trong những giá trị to lớn của mo Mường là ngôn ngữ. Ngôn ngữ mo Mường là tiếng nói muôn đời của tổ tiên, là ngôn ngữ sử thi hàng đầu Đông Nam Á. Đáng tiếc là, tiếng Mường và ngôn ngữ mo hay như vậy nhưng không được thể hiện qua chữ viết truyền thống của người Mường...”.

Ngoài các nguyên nhân trên, thách thức lớn nhất mà di sản mo Mường, cụ thể là mo trong tang ma - đối tượng được tập trung xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đang phải đối mặt là yếu tố con người. Hiện nay, số lượng thầy mo am hiểu và thực hành tốt các nghi thức mo trong tang ma đang giảm sút nhanh chóng trong khi thế hệ kế cận lại rất ít. Theo khảo sát sơ bộ về sự hiện diện của di sản văn hóa mo Mường tại Ninh Bình, toàn tỉnh hiện chỉ còn 12 thầy mo biết và có thể thực hành mo Mường.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình Vũ Thanh Lịch cho biết: “Theo người dân địa phương, các nghi lễ mo tang ma tại Ninh Bình đã mai một khoảng trên 20 năm nay, nhiều thầy từ lâu không còn được “mo” nữa do người Mường không còn duy trì phong tục cúng như xưa. Bên cạnh đó, sự ra đi của các ông Mo lớn tuổi mà chưa có “truyền nhân” đã khiến các bản Mo không được lưu giữ. Việc truyền dạy Mo phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, luật tục, tâm linh khiến số người nắm giữ ngày càng ít...”.

Giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tế

Đứng trước nguy cơ bị mai một nhanh chóng, năm 2020, mo Mường đã được Thủ tướng chỉ đạo chọn lựa là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trong số 7 địa phương có đồng bào dân tộc Mường sinh sống và nắm giữ di sản mo Mường, Hòa Bình là đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính, còn các địa phương khác phối hợp cùng tỉnh Hòa Bình thực hiện công tác kiểm kê, điền dã, đánh giá thực trạng của di sản, từ đó đề ra phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, phù hợp với thực tế.

Đánh giá cao giá trị và tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản mo Mường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm cho rằng: “Đến nay, mo Mường đã được xác định là di sản văn hóa phi vật thể “đang sống” và là biểu đạt “sống” do tổ tiên, ông cha truyền lại. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của mo Mường cho ta ý thức về bản sắc, là sự kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai”.

Chia sẻ về các biện pháp bảo tồn di sản mo Mường, bà Niềm cho biết, Hòa Bình sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”, đồng thời nghiên cứu, đưa mo Mường vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục; mở lớp truyền dạy một số nghi lễ mo Mường cơ bản và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về giá trị của di sản...

Xác định người dân và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di sản mo Mường, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Huyện Tân Lạc đầu tư kinh phí xuất bản sách và đĩa CD bộ mo Mường Bi giúp mọi người hiểu rõ các từ ngữ người Mường cổ trong các bài mo nhằm phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và quảng bá du lịch. Trước đây, do người Mường cổ không có chữ viết dẫn đến những sai lệch về thực hành di sản, năm 2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình gồm 28 chữ cái, 24 phụ âm đầu, 1 âm đệm. Đây là khâu “đột phá” góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc Mường nói chung và di sản mo Mường nói riêng. Nhờ vậy, di sản mo Mường được tư liệu hóa một cách chính xác, thống nhất, phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học về mo Mường...

Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ cùng sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai, bất cứ di sản nào cũng đứng trước nguy cơ bị mai một. Việc nhận diện đúng những thách thức sẽ góp phần bảo vệ di sản hiệu quả. Việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh di sản mo Mường vào danh sách Di sản cần bảo vệ khẩn cấp vừa là biện pháp phù hợp, đúng đắn, vừa góp phần khẳng định giá trị của di sản, để mo Mường mãi là “viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục