Nhiệt độ tăng cao cùng nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng phát triển. Cùng với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nắng nóng có thể gây bùng phát nhiều dịch bệnh khác như các bệnh về hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, các bệnh truyền nhiễm như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… Người già và trẻ em là những đối tượng dễ mắc các bệnh do thời tiết nắng nóng.
Số trẻ phải nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng cao do thời tiết nắng nóng.
Bác sỹ Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, để chủ động phòng chống các bệnh mùa hè, các bệnh do thời tiết nắng nóng, mỗi bậc phụ huynh trước tiên cần bổ sung đầy đủ nước, chất dinh dưỡng và các yếu tố vi lượng gồm vitamin và khoáng chất cho trẻ hàng ngày. Cùng với đó, cần đảm bảo các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm như ăn chín, uống sôi, không ăn các thực phẩm ôi thiu… Cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, không cho trẻ vui chơi ngoài trời khi nhiệt độ cao, vệ sinh mũi họng hàng ngày để làm sạch và giúp thông thoáng đường thở… Đặc biệt, nếu trẻ có những biểu hiện như sốt cao, li bì, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy kèm xuất huyết, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, nếu không biết tự trang bị, bảo vệ sức khỏe có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, say nắng, ngất xỉu thậm chí đột quỵ. Chị Nguyễn Hồng Hạnh, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) nói, đối với những người làm công việc giao hàng như chị, thời tiết nắng nóng rất dễ làm cơ thể kiệt sức. Mấy ngày vừa qua, khi làm việc dưới nắng nóng liên tục nhiều giờ khiến chị ra nhiều mồ hôi, khát nước và khó thở. Để chủ động bảo vệ bản thân, chị thường xuyên mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đội mũ kín và đem theo chai nước mát bên mình để bổ sung nước kịp thời cho cơ thể. Mặc dù công việc đòi hỏi thường xuyên, liên tục nhưng chị cố gắng tránh làm việc trong giờ nắng nóng cao điểm từ 12 đến 14 giờ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Nắng nóng kéo dài cũng là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh về da như mẩn ngứa, dị ứng. Các tia bức xạ như UVA, UBV chiếu trực tiếp trên da có thể gây nên các bệnh viêm da do ánh nắng, dày sừng do ánh sáng, cháy nắng, ung thư... Chị Hoàng Huyền Trang, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, mỗi khi cần ra ngoài, chị chủ động bôi kem chống nắng và cho các con mặc quần áo dài tay, đội mũ để tránh ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp vào da. Cùng với đó, để giữ gìn sức khỏe cho các con trong những ngày nắng nóng, chị không cho con uống nước quá lạnh, không để khí lạnh điều hòa phả trực tiếp vào người con và luôn cho con mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt khi ở nhà.
Theo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để phòng chống các dịch bệnh mùa nắng nóng, mỗi cá nhân, gia đình cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau sạch các bề mặt tiếp xúc hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, các gia đình cần sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, loại bỏ vật liệu phế thải, xử lý ao tù, nước đọng để diệt loăng quăng, bọ gậy.
Gửi phản hồi
In bài viết