Bảo vệ vùng nuôi trồng thuỷ sản

- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu mùa mưa bão, các cấp, ngành của tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp để phòng, chống và khắc phục rủi ro, bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi trồng thủy sản.

Chủ động ứng phó

Huyện Na Hang hiện có trên 1.000 lồng cá, với hơn 100 hộ nuôi, tổng sản lượng khai thác đạt 700 tấn/năm. Nghề nuôi cá đặc sản đã giúp không ít những hộ gia đình có thu nhập khá. Hiện đang là thời điểm mùa mưa lũ, thời tiết, nhiệt độ thay đổi thất thường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất, sản lượng cá. Các hộ nuôi cá lồng chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống mưa, gió lớn nhằm giảm nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả trong chăn nuôi.

Anh Vi Ngọc Anh, tổ 6, thị trấn Na Hang (Na Hang) cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngay trước mùa mưa bão, gia đình kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng nuôi, thay mới những tấm lưới cũ, rách. Khi có thông tin về tình hình mưa bão hay thuỷ điện xả lũ, gia đình sẽ điều chỉnh hạ độ sâu của lồng để giảm thiểu thiệt hại, nếu cần thiết di chuyển các lồng cá đến những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh làm vỡ lồng. Hơn nữa, vào mùa mưa, thời tiết thay đổi, mực nước lên xuống thất thường, cùng với đó là nước các khe suối chảy vào lòng hồ làm cho cá dễ mắc bệnh nên phải chú ý bổ sung các loại thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống tốt cho cá, hạn chế dịch bệnh... Nhờ vậy, đến thời điểm này 30 lồng cá của gia đình đều được bảo vệ an toàn.

Ông Hà Hải Lanh, thôn 1, xã Trung Môn (Yên Sơn) bổ sung thức ăn vi lượng để đàn cá phát triển tốt.

Nuôi cá tại eo ngách trên vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang nên mỗi khi vào mùa mưa lũ, gia đình anh Nguyễn Quang Minh, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) lại chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an toàn cho 150 lồng cá của gia đình. Anh Minh chia sẻ: “Gia đình tôi thường xuyên kiểm tra, gia cố và vệ sinh lồng bè; dự trữ nguồn thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; máy tạo ôxy chuẩn bị sẵn sàng… Vì vậy, thời gian qua mặc dù thời tiết mưa nắng thất thường nhưng đàn cá của gia đình không bị ảnh hưởng và phát triển tốt”.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, ông Hà Hải Lanh, thôn 1, xã Trung Môn (Yên Sơn) đã quen với những công việc khi mùa mưa bão đến. Từ khâu tôn tạo bờ ao, chuẩn bị lưới quây cho đến kiểm tra bờ bao đã được ông và gia đình chủ động làm sớm. Được biết, với hơn 8.000m2 ao nuôi, những năm gần đây, nuôi cá đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông. 

Tuy nhiên, theo ông Lanh, nếu không chủ động phòng, chống trong mùa mưa bão, chẳng may gặp rủi ro sẽ gây thiệt hại không nhỏ, thậm chí mất trắng. Do vậy, ông luôn chú trọng phòng ngừa sự cố tràn bờ, vỡ bờ, giữ an toàn cho diện tích thủy sản.

Hạn chế rủi ro

Hiện nay, vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 8.445,5 ha. Trong đó, ao hồ nhỏ chuyên nuôi thủy sản 2.483 ha; hồ thủy lợi tận dụng nuôi thủy sản 614 ha; nuôi trên hồ thuỷ điện là 1.450 lồng…

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay, thời tiết mưa nhiều gây ra lũ ở một số nơi, khiến một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Một phần do các chủ ao nuôi chủ quan không chủ động khơi thông dòng chảy, đắp be bờ và thu hoạch sớm đàn cá ở những ao nuôi có nguy cơ cao bị ngập úng...

Gia đình anh Nguyễn Quang Minh, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)
chủ động gia cố lồng nuôi trồng thuỷ sản trước mùa mưa bão.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, nắng nóng, mưa, bão kéo dài và không theo quy luật. Bởi vậy, để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả trong mùa mưa bão, ổn định và duy trì sản xuất, các cơ quan chức năng quan tâm thông tin đầy đủ về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. 

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ dân nuôi thả cá tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra. Trong đó, quan trọng nhất là chuẩn bị các vật tư cần thiết như: Lưới, cọc tre, máy phát điện, máy bơm, mô tơ quạt nước… để kịp thời xử lý những sự cố xảy ra. Đồng thời, định kỳ bổ sung vitamin C, chế phẩm vi sinh vào thức ăn giúp các loài thủy sản tăng sức đề kháng.

Việc chủ động các biện pháp phòng, chống ảnh hưởng do bão lũ gây ra đối với diện tích nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, giúp khai thác triệt để diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Bài ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục