Chiêm Hóa là địa phương hoàn thành kế hoạch gieo cấy sớm nhất tỉnh, với trên 4.700 ha. Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Trên đồng ruộng của các xã, thị trấn bà con nông dân đang tập trung bón phân, chăm sóc lần 1, đồng thời dặm những khoảng lúa bị chết do gieo thưa, chuột cắn hại, chủ động lấy nước vào đồng dưỡng lúa.
Người dân xã Năng Khả (Na Hang) thường xuyên thăm đồng, chủ động phát hiện sâu bệnh hại.
Ông Nguyễn Gia Chung, thôn Nà Nghè, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, để bảo vệ lúa non, ngay sau khi cấy ông thực hiện phun thuốc trừ ốc bươu vàng. Phun trừ sớm ngăn chặn được ốc cắn phá. Tuy nhiên, thời tiết nắng mưa xen kẽ, ruộng trũng, chất đất chua sau khi cấy đã xuất hiện rêu bao phủ. Với kinh nghiệm làm ruộng lâu năm và được hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ngoài phân chuồng hoai mục, ông Chung bón thêm vôi bột vừa để khử chua, vừa hạn chế bệnh nghẹt rễ sinh lý. Đồng thời gia đình đang tập trung bón dúi phân nhả chậm, giữ ổn định mực nước trong ruộng tạo điều kiện tốt nhất cho lúa đẻ nhánh.
Gia đình bà Hoàng Thị Niêm, thôn Nà Chang, xã Năng Khả (Na Hang) gieo cấy được 1.500 m2 giống lúa TH8. Cũng như nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã, nhiều năm nay để đảm bảo khung lịch thời vụ cho sản xuất 3 vụ trong năm, gia đình bà đã chủ động gieo cấy toàn bộ diện tích lúa mùa trước ngày 15-6. Nhờ gieo cấy đúng lịch thời vụ, đồng thời làm tốt công tác chăm sóc, đảm bảo nguồn nước nên diện tích lúa của gia đình bà Niêm phát triển tốt. Qua kiểm tra, một số diện tích lúa của gia đình bà xuất hiện sâu cắn lá, nhưng nhờ thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm và phun thuốc đặc trị nên đến thời điểm này, lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Với quyết tâm không để kết thúc gieo cấy muộn hơn so với lịch thời vụ của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương đôn đốc bà con gieo cấy sớm. Từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy, song các huyện, thành phố đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc nông dân huy động phương tiện, nhân công tranh thủ lúc trời mát xuống đồng làm đất, gieo cấy. Tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15-7, nông dân trong tỉnh đã chăm sóc lúa lần 1 được 18.000 ha.
Người dân xã Năng Khả (Na Hang) làm cỏ, chăm sóc lúa mùa.
Do ảnh hưởng của thời tiết, hiện nay trên lúa mùa xuất hiện tập đoàn rầy đang gây hại rải rác; ốc bươu vàng trên ruộng, ao, suối, mương máng, mật độ trung bình 3 - 5 con/m2, cục bộ 7 - 10 con/m2. Dự báo trong thời gian tới, điều kiện thời tiết thuận lợi cho ốc bươu vàng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh nghẹt rễ,… phát sinh gây hại trên mạ, lúa mùa giai đoạn sau cấy đến hồi xanh, đẻ nhánh. Trên ngô hè thu, sâu keo mùa thu phát sinh và gây hại mạnh trên ngô giai đoạn 2 - 8 lá.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, để bảo đảm chăm sóc tốt lúa mùa, cán bộ Chi cục đã tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa, bón phân, tỉa dặm, sục bùn và phương pháp nhận biết, phát hiện, kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên cây trồng. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh trong điều kiện thời tiết vào thu, nhất là bệnh sâu đục thân để phòng trừ kịp thời. Đối với trà lúa sớm, cần bón thúc khi lúa bắt đầu trỗ bông theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và theo dõi chặt chẽ sâu bệnh hại để kịp thời phòng trừ.
Gửi phản hồi
In bài viết