Từ khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn chống dịch. Ở mỗi giai đoạn của dịch, Chính phủ có nhiều biện pháp chống dịch khác nhau nhưng đến thời điểm này có thể nói rằng, chúng ta buộc phải sống chung với dịch khi mà cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Còn nhớ thời gian đầu khi dịch bùng phát ở Việt Nam, khi có những ca mắc đầu tiên, trong mỗi chúng ta đều phấp phỏng, lo âu, sợ hãi, nhiều người không dám ra khỏi nhà, những tuyến phố, con đường vắng tanh, hàng quán, nhiều dịch vụ tạm thời đóng cửa. Những người thân của tôi là F2 cũng thực hiện cách ly ở nhà. Covid-19 làm nhiều nơi, nhiều người rơi vào tình trạng khốn khó.
Thế rồi khi Chính phủ ban hành các chính sách thích ứng linh hoạt cùng với các giải pháp mở cửa, thay đổi cách nhìn nhận từ đại dịch Covid-19 chỉ là dịch bệnh, một căn bệnh đặc hữu, bao phủ việc tiêm vắc xin cho toàn dân cho thấy chúng ta đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh và sẵn sàng sống chung với dịch. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức này đi liền với đó là tâm lý chủ quan, coi thường hậu quả của dịch của không ít người. Hằng ngày xung quanh tôi luôn là những câu chuyện về các F0 trải qua những ngày cách ly, những ngày hậu Covid với một tâm trạng mệt mỏi, lo âu.
Cậu em con dì tôi vừa hết những ngày cách ly khổ sở. Mặc dù đã tiêm 3 mũi vắc xin nhưng những ngày cách ly ở nhà do bị nhiễm Covid-19 thực sự vẫn đáng sợ đối với cậu. Sốt cao, tiêu chảy liên tục, chỉ ăn được cháo loãng. Gần chục ngày nằm ở nhà mà từ một người lực lưỡng bỗng gầy sọp, mặt mũi phờ phạc. Cậu ấy kể, những ngày đi công tác xa nhà cẩn thận đến nỗi mang cả cơm hộp đi ăn trên xe ô tô, không dám ăn hàng quán dọc đường ấy vậy mà chỉ một lần đi xe ô tô cùng một đồng nghiệp khác khi cậu này khẳng khái nói rằng “test âm tính rồi” mà cậu em tôi bị “dính” luôn. Một người anh con bác của tôi luôn khẳng định rất cẩn thận vì nhà anh có con nhỏ. Trước đây nhà anh là “trung tâm” ăn uống của bạn bè, đồng nghiệp, thế nhưng từ khi có dịch, gia đình cũng không rủ bạn bè đến ăn uống gì. Vậy mà vừa báo tin rằng anh đã bị nhiễm Covid - 19 do ngồi nói chuyện với người hàng xóm là F1 nhưng lại không đeo khẩu trang! “Chẳng tránh được”, “Kiểu gì cũng bị”, “Bất bại được mãi à” là những câu nói tôi thường nghe thấy cùng với tâm lý dửng dưng như không của những người nói ra. Tin bị nhiễm Covid -19 của không ít người xung quanh làm tôi không mấy ngạc nhiên bởi chúng ta thường cảnh giác với bên ngoài nhưng mối nguy hiểm ngay bên cạnh thì lại lơ là.
Tôi cũng có những người bạn, người thân họ sống, đi cùng xe ô tô, trò chuyện với F0, F1 cả tiếng đồng hồ nhưng đến giờ vẫn chưa bị nhiễm. Cũng không phải do “số đỏ” hay là may mắn. Hỏi ra mới biết, họ thực sự tuân thủ các quy định phòng dịch. Ngay cả khi ở trong nhà, các thành viên trong gia đình cũng vẫn đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, bề mặt dụng cụ, sàn nhà… Một chị bạn của tôi làm ngân hàng, thường xuyên tiếp xúc với khách hàng. Đơn vị của chị nhiều người đã mắc nhưng chị và gia đình vẫn bình an. Chị kể, có lần đi công tác trong miền Nam, ngồi chờ để lên máy bay, hay mua chai nước lọc, xếp hàng làm thủ tục chị đều giữ khoảng cách, hạn chế tối đa nói chuyện với người xung quanh. Không ít người nhìn chị tỏ vẻ ngạc nhiên, khó hiểu thậm chí cho rằng chị cẩn thận hơi quá. Thế nhưng với sự cẩn trọng ấy, đến nay chị vẫn tránh được Covid-19.
Hàng ngày trên facebook, zalo, không ít người thân, bạn bè của tôi đều đăng tải những dòng trạng thái, cảm xúc lo ngại về sức khỏe của mình sau những ngày khỏi Covid-19. Có người trắng đêm mất ngủ, có người hụt hơi, mệt mỏi, cảm thấy sức khỏe đi xuống trầm trọng ngay cả ở những người trẻ tuổi. Covid -19 không chỉ để lại hậu quả nặng nề về mặt tinh thần, sức khỏe sau khi đã khỏi mà còn gây tốn kém, thiệt hại về kinh tế không nhỏ đối với những gia đình có người là F0. Một gia đình người bạn của tôi ở Bắc Ninh cả nhà bị nhiễm Covid - 19 cũng vừa mới khỏi và hết cách ly mới đây nói rằng, nếu như trước đây, sức khỏe có 9 phần thì giờ chỉ còn khoảng 7 phần. Năm trước, nhờ buôn bán, chị để dành ra được vài chục triệu đồng. Vừa qua, nhà có 7 người gồm bố mẹ chồng, ba người con và anh chị đều bị nhiễm Covid. Nửa tháng ở nhà không ai đi làm được mà chỉ có tiêu tiền chi phí thuốc men, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đã ngốn mất toàn bộ số tiền dành dụm được trong năm trước.
Hậu quả Covid -19 để lại cho những người đã nhiễm là rất rõ. Vậy thì thay bằng đặt ra câu hỏi “Bất bại đến khi nào?” thì hãy tự hỏi “Làm thế nào để chúng ta sẽ không bị nhiễm và Covid-19 sẽ không thể tấn công mỗi chúng ta?”. Khi hỏi câu hỏi đó tôi nghĩ mỗi chúng ta sẽ tìm được câu trả lời có trách nhiệm rằng chính ý thức phòng bệnh cho bản thân của mỗi người thường xuyên và tự giác là cách tốt nhất để không cho Covid-19 có cơ hội tấn công chúng ta và cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết