Suy xét lại về cả một chặng đường chống dịch thì vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức của mỗi người. Trong khi hệ thống y tế đang trở nên quá tải trước những biến cố dịch dã, bệnh tật thì trách nhiệm và ý thức từ mỗi người là khâu trọng yếu để tháo “ngòi nổ” số ca mắc tăng lên. Chỉ cách nay chưa đầy một năm khi đợt dịch lần thứ 4 chưa bùng phát, khi nghe ở đâu đó có một ca mắc thì ai nấy đều tỏ ra rất lo lắng. Anh bạn cùng học đại học với tôi ở miền xuôi gọi điện buồn bã bảo, mấy anh em định lên Tuyên chơi thì phải gác lại rồi, ở xã có người mắc Covid, làng nọ còn không đến được với làng kia, nói gì đi tỉnh khác. Ai cũng lo sợ.
Nói như vậy không phải giờ người ta không còn sợ Covid nữa mà cách phòng dịch có những thay đổi theo hướng Zero Covid sang thích ứng linh hoạt, an toàn. Đây là xu hướng chung để “cứu” nền kinh tế đang bị kiệt quệ bởi dịch dã. Nhưng chúng ta đang “thích ứng quá đà” mà thiếu đi sự an toàn. Thích ứng nhưng việc tuân thủ các quy định phòng dịch một cách tốt hơn, nhất là đeo khẩu trang khi tiếp xúc chỗ đông người. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một Bí thư Huyện ủy tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy được tổ chức mới đây cho rằng, phần lớn những người bị lây nhiễm dịch bệnh là do không đeo khẩu trang. Trong đợt Tết vừa rồi hầu như người nhà lây cho người nhà, hàng xóm lây cho hàng xóm khi tổ chức hoạt động giao lưu ăn uống.
Thật khó tránh khỏi việc giao lưu ăn uống nhưng trong bối cảnh dịch chưa thể được coi là bệnh đặc hữu thì chúng ta cần biết kiểm soát cảm xúc để “khai mở tâm tuệ” - có cái nhìn nghiêm túc và đầy đủ hơn về mối nguy hiểm khó lường của Covid. Không thể biện hộ rằng, “rồi sẽ đến lượt mình” vì có biết ai là F0 đâu mà tránh. Xếp hàng là hành vi văn hóa khi tham gia một hoạt động cộng đồng, thể hiện là người văn minh, nhưng xếp hàng để “đến lượt mình nhiễm bệnh” thì thật là tệ hại, buôi xuông một cách vô cảm với những nỗ lực “vô song” của toàn xã hội ngăn ngừa dịch bệnh trong thời gian qua. Chúng ta hoàn toàn chủ động trong phòng ngừa dịch bệnh nếu thực hiện tốt đeo khẩu trang, khử khuẩn và hạn chế đến mức thấp những việc giao lưu ăn uống không cần thiết để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, ổn định cuộc sống, sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Bởi, chúng ra không thể chủ quan cho rằng, mình đã mắc rồi không mắc lại nữa và hơn hết là những di chứng hậu Covid-19 thực sự đáng lo ngại cho sức khỏe con người. Anh bạn tôi đã khỏi Covid đã mấy tháng nay nhưng bị tác động đến phổi và hệ hô hấp nên vẫn chưa thích ứng với hoạt động lao động sản xuất bình thường. Cứ hễ làm việc nặng là anh không thở được, hụt hơi mỗi khi nói chuyện và đau đầu hơn khi trái nắng trở trời. Anh phải dành nhiều thời gian hơn cho tập thể dục, mất thêm tiền mua các loại thuốc bổ trợ, gây tốn kém lắm trong khi tiền làm chả ra vì thiếu việc làm thời Covid.
Covid chỉ không đáng sợ khi mỗi người là một chiến sỹ chống lại sự xâm nhiễm của chúng. Vậy, đeo khẩu trang, khử khuẩn phải được coi là ý thức, trách nhiệm tự thân của mỗi người nơi công cộng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Gửi phản hồi
In bài viết