Trong lúc chờ đợi tới lượt, có một cháu hay đi ra đi vào. Tôi chú ý tới cháu này bởi thấy cháu ho liên tục và nghe tiếng ho có nhiều đờm trong cổ. Nói thật, tôi cảm thấy rất lo lắng. Vài bậc phụ huynh động viên: “Không sao đâu em, nếu con mình có mắc Covid-19 thì cũng bị nhẹ, nhanh khỏi thôi”, “Các cháu đã tiêm phòng rồi còn lo gì nữa chị”.
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh sau Tết Nguyên đán, số ca mắc tăng lên từng ngày. Những ngày qua, số ca dương tính với Covid-19 đã lên mức kỷ lục với gần 50 nghìn ca mỗi ngày tại 63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay; trong đó số mắc trong cộng đồng mỗi ngày lên tới hơn 30 nghìn ca. Tỉnh Tuyên Quang trong 3 ngày qua cũng có số ca mắc cao nhất từ trước đến nay, từ 800 đến gần 1.000 ca/ngày. Có nhiều gia đình, số người F0 đông hơn người F1. Vì số lượng ca F0 tăng quá nhanh, các bệnh nhân F0 ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng được điều trị tại nhà và được hướng dẫn điều trị theo phác đồ của y tế cơ sở.
Chưa khi nào tôi thấy có rất nhiều người cảm thấy thờ ơ, ít quan tâm hơn khi dịch Covid-19 lan rộng như thời điểm này. Người ta đã từng hoảng sợ vào thời điểm dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam vào năm ngoái. Số người tử vong được công bố hàng ngày đã làm cho mọi người lo sợ thực sự. Thậm chí, sự hoảng sợ còn dẫn đến cực đoan như ồ ạt đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men dự trữ gây ra khan hiếm hàng cục bộ. Chương trình thần tốc tiêm vắc xin đã được triển khai hiệu quả, nhanh chóng ở tất cả các địa phương đã cho thấy dịch Covid-19 được kiểm soát với số người tử vong hàng ngày giảm đi rất nhiều, số ca mắc hầu hết không tăng nặng. Đó chính là lý do mà mọi người không để ý đến dịch bệnh khi nó đang lây lan khắp nơi.
Thú thực, tôi không thích, thậm chí cảm thấy khó chịu khi có người nói nếu có mắc Covid-19 thì cũng “Không làm sao đâu”. Không làm sao ư khi cuộc sống của chúng ta vẫn đang bị xáo trộn, học sinh được đến trường vài hôm rồi lại phải học trực tuyến, nhiều gia đình có cha mẹ phải nghỉ việc vì ở nhà chăm con mắc Covid-19 và lây bệnh từ các con do bọn trẻ chưa được tiêm phòng. Không làm sao ư khi mỗi ngày số lượng người dương tính cứ tăng lên, các lực lượng tuyến đầu làm việc không ngừng nghỉ bất kể ngày đêm, mưa rét…
Không ít người cho rằng: “Có dương tính với Covid cũng ko sao đâu, giờ mắc bệnh có chết đâu mà sợ”. Dịch Covid-19 xảy ra chưa có tiền lệ. Không chỉ đối với chúng ta mà các nước trên thế giới đã và đang tiếp tục nghiên cứu những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh này. Không thể có câu trả lời chính xác là dịch Covid-19 bao giờ thì kết thúc. Thế nhưng, những hệ lụy đối với những người từng dương tính với Covid-19 thì đã có. Một số người mắc Covid-19 đã chữa khỏi cho biết, cảm giác cơ thể yếu hơn và đừng nên nghĩ mắc bệnh không có triệu chứng thì không để lại di chứng. Theo các chuyên gia y tế, có nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng thỉnh thoảng vẫn có triệu chứng ớn lạnh, giảm thân nhiệt, khả năng chịu lạnh kém hơn. Đây là một trong những rối loại cơ thể sau khi đã chữa khỏi Covid-19. Ngoài ra, cơ thể người bệnh dễ gặp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật sau Covid-19 gây ra do căng thẳng, stress dẫn đến rối loạn co thắt mạch máu. Nhiều bệnh viện đã thành lập các phòng khám, khoa điều trị cho bệnh nhân hậu Covid-19.
Tất nhiên là không nên lo sợ, hoang mang khi bị dương tính với Covid-19. Luôn phải bình tĩnh, lạc quan trong mọi tình huống nhưng nhất định không được chủ quan. Ngành y tế đã chủ động hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như tự xét nghiệm nhanh, điều trị F0 tại nhà, sử dụng thuốc phòng dịch bệnh…Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, mọi sinh hoạt, lao động, học tập không thể vì dịch Covid-19 mà ngừng lại. Vì vậy, mỗi người cần chủ động phòng tránh, không làm cho dịch lây mạnh ra cộng đồng. Tin rằng, cùng với tiêm phòng vắc xin đầy đủ thì ý thức của mỗi người sẽ là một trong những loại “thuốc” ngăn chặn dịch bệnh hữu hiệu nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết