Tết biết ơn

- Sáng sớm mùng 3 Tết năm nào cũng vậy, anh gọi điện cho tôi nói gỏn gọn: “Cảm ơn anh ngày đó đã giúp con tôi giành lại sự sống”.

Lần đầu tôi nghe điều này thấy sường sượng vì tôi đâu có phải bác sỹ cứu chữa con anh thoát khỏi tử thần. Tôi bảo, anh hãy biết ơn những người thầy thuốc đã tận tâm, tận lực quên đi hạnh phúc riêng trong những ngày Tết để cứu chữa cho con mình.

Anh sụt sùi khóc. Nhìn anh rất mạnh mẽ nhưng không hiểu sao mỗi khi nhắc đến chuyện này anh lại tỏ ra yếu mềm vậy chứ. Quê anh ở miền ngược, nhà nghèo, bán tất cả mọi thứ trong nhà đi vẫn không đủ tiền chữa bệnh cho con. Đã thế vợ chồng anh lại mắc căn bệnh hiếm muộn, lấy nhau bao năm mới đẻ được đứa con lại mắc căn bệnh tim bẩm sinh. Hôm đó, một ngày cuối năm, tôi đi tác nghiệp ở bệnh viện, gặp anh bế đứa con da dẻ tím tái khiến ai nom thấy cũng động lòng. Tôi chụp ảnh, đưa lên báo cầu mong những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ anh kinh phí cứu cháu bé.

Tình người bao bọc tình người, con anh được tỉnh đưa vào chương trình khám, chữa bệnh tim bẩm sinh miễn phí, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí và tặng quà cha con anh đón Tết trong bệnh viện. Sáng sớm mùng 3 Tết chiếc điện thoại của tôi đổ chuông, giọng anh vui trở lại, anh bảo, “cháu đã khỏe hơn rồi sau một tuần phẫu thuật. Nếu không có anh giúp, gia đình tôi mất Tết rồi”.

Từ đó, năm nào vào mùng 3 Tết, anh cũng gọi điện cảm ơn tôi, bởi bài báo tôi viết đã giúp gia đình anh vượt qua hoạn nạn, cứu chữa được căn bệnh hiểm nghèo cho con. Tôi vẫn bảo, anh hãy biết ơn những người thầy thuốc, còn tôi làm việc theo lương tâm của người cầm bút, chứ có giúp được anh gì về tiền bạc đâu.

Anh nói chầm chậm trong điện thoại: Cuộc đời này đâu cứ phải cho nhau tiền bạc mới là biết ơn nhau; đâu cứ phải dạy cái chữ mới là thầy của nhau. Từ khi còn bé, nội tôi đã dạy tôi như vậy. Mùng 1 Tết cha, mùng 2  Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy. Người thầy ở đây bao trùm tất cả những người giúp ta dẫu điều nhỏ nhất thì ta cũng phải nhớ để biết ơn. Biết ơn ở đây không phải cứ đến Tết mang quà cáp đến nhà biếu tặng, mà chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn hay trong tâm thức, ý thức của mình luôn đau đáu về những gì đã được người khác giúp mình. Bài báo của anh tôi vẫn để cẩn thận trong ngăn tủ, mùng 3 Tết năm nào tôi cũng giở ra xem, đọc cho thằng nhỏ và cả nhà nghe, ai cũng rơm rớm nước mắt. Nếu không có bài báo đó, tôi biết kêu gọi ai để được hỗ trợ. Ơn những người giúp mình tiền bạc thì đúng rồi, tôi đã có cả một danh sách, năm nào cũng gọi điện cảm ơn họ. Đó là Tết của sự biết ơn, anh ạ.

Tôi lặng đi đôi chút khi nghe anh giãi bày về Tết biết ơn và tự thấy xấu hổ với anh bởi sự nông cạn của mình. Đến giờ, con của anh đã vào tuổi “bẻ gãy sừng trâu” rồi, nhưng chưa năm nào anh quên vào ngày mùng 3 Tết gọi điện cảm ơn tôi. Tôi thực sự nhận được bài học quý giá về giá trị của sự biết ơn từ một người nhà quê chân chất. Bởi, hơn hết, ta được sống ngày nào ở cuộc đời này ta phải biết ơn ngày đó, biết ơn vũ trụ, bầu trời cho ta không khí để thở, cho ta nguồn nước để uống, cho mình hạt “vàng làng ta”… Ta hãy biết ơn tất cả, từ những những hoan hỉ, từ những đớn đau và hoạn nạn, để ta nhận ra trân giá trị cuộc sống, ai là bạn mình ngay cả lúc mình khó khăn nhất.

Năm nay, vào ngày mùng 3 Tết, tôi chủ động gọi cho anh trước, có lẽ anh hơi bất ngờ vì điều này nên tỏ ra lúng túng. Tôi cười ấm áp, nói điều biết ơn anh, bởi anh là người thầy chỉ cho tôi tường tận, ngọn ngành về ngày Tết biết ơn. Anh im lặng, tôi biết anh đang khóc, khóc vì điều hạnh phúc, đó cũng là sự biết ơn đấy chứ…

Thành Công

Tin cùng chuyên mục