2 năm gần đây, do dịch bệnh Covid-19, chương trình không còn được duy trì. Nhưng khi dịch bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, anh tiếp tục cùng các bạn của mình quyên góp ủng hộ, giúp đỡ những người dân, người lao động gặp khó khăn nhu yếu phẩm cần thiết, trong đó có cả những người dân Tuyên Quang đang sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố mang tên Bác.
Không chỉ những người con xa quê như anh luôn hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất. Tại Tuyên Quang, sự quan tâm, sẻ chia và tình người luôn được lan tỏa. Trong khó khăn, mọi người càng trở nên gần gũi và yêu thương nhau hơn. Hàng trăm tấn nhu yếu phẩm, lương thực… đã được người dân, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ trực tiếp cho các chốt kiểm soát dịch bệnh, khu cách ly tập trung, nơi điều trị bệnh nhân F0 ở các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, hàng chục tỷ đồng, trang thiết bị y tế cũng đã được Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận từ các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, là rất nhiều mớ rau, con cá, cân thịt, quả trứng… đã được người dân gửi cho những người cùng khu phố, thôn, bản của mình đang phải tự cách ly tại nhà.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, đến nay số tiền vận động tiếp nhận được qua Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh là trên 24 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp trên 617 tấn lương thực, thực phẩm, nông sản trị giá trên 8 tỷ đồng để ủng hộ các địa phương vùng dịch. Ngoài các địa phương trong tỉnh, lương thực, thực phẩm, nông sản xứ Tuyên đã được trao đến tay những người con Tuyên Quang ở thành phố Hồ Chí Minh và người dân thủ đô Hà Nội trong những ngày dịch bệnh căng thẳng. Đó chính là những con số biết nói, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, vì cộng đồng.
Đặc biệt, trong số những người tham gia ủng hộ có Mẹ Việt Nam Anh hùng đã dùng số tiền trợ cấp ít ỏi của mình mang đến tận nơi để trao tặng, hay người cựu chiến binh trích tiền trợ cấp thương tật để đóng góp và có em nhỏ đã sẵn sàng trao tất cả số tiền mình tiết kiệm được để ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Mỗi hành động ý nghĩa ấy đã khích lệ, động viên tinh thần những người nơi tuyến đầu và góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Bởi trong khó khăn, gian khổ, điều luôn luôn đọng và còn mãi chính là tình cảm, sự quan tâm, yêu thương, sẻ chia…
Xuân Nhâm Dần 2022 đang đến gần, không thể kể hết được niềm vui của những hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đang được ở trong ngôi nhà mới khang trang. Từ nguồn hỗ trợ của “Quỹ vì người nghèo” các cấp, sự ủng hộ của các mạnh thường quân, doanh nghiệp, cùng với sự giúp đỡ của các đoàn thể, người dân, anh em trong dòng họ, hàng nghìn ngôi nhà mới trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành. Theo kế hoạch, năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu làm 190 nhà mới cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng với sự triển khai cụ thể, sự tham gia, ủng hộ tích cực của tập thể, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, kết quả đã vượt trên cả mong đợi. Đến hết tháng 12, toàn tỉnh đã có trên 600 hộ nghèo được làm nhà mới. Ngoài ủng hộ tiền mặt, người dân còn giúp đỡ nhau bằng công lao động, nguyên vật liệu và những sự quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời. Những thứ đó khó có thể đong đếm được, nó giúp cho hộ nghèo không cảm thấy đơn độc, có thêm nghị lực để vươn lên. Đó chính là những ngôi nhà “đại đoàn kết”, là nguồn động lực lớn để hộ nghèo tiếp tục cố gắng hơn trong cuộc sống.
Mùa xuân sắp gõ cửa từng nhà. Trong khi ai cũng bận rộn với công việc cuối năm, vẫn có rất nhiều người tích cực với hoạt động thiện nguyện ở khắp các địa phương trên mọi miền Tổ quốc. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những bộ quần áo ấm, chăn ấm, lương thực, thực phẩm... vẫn đang tiếp tục được trao đến tận tay người nghèo, người đang phải cách ly, điều trị bệnh Covid-19. Đặc biệt, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, rất nhiều người sẽ không được đón Tết bên gia đình, người thân, nhưng tin rằng dù ở đâu, đang làm gì, mỗi người cũng sẽ cảm nhận được sự ấm áp, quan tâm, chia sẻ, bởi nơi đâu cũng đầy ắp tình người.
Gửi phản hồi
In bài viết