Cái tiếng và uy tín ở ông không chỉ là giỏi nghề mà hơn hết, ông hành nghề xuất phát từ cái tâm. Ông không đòi hỏi bất cứ người bệnh nào tiền thuốc, tiền công gì cả, mà khi khỏi bệnh chỉ mang tạ cây thuốc theo tấm lòng hảo tâm, ai không có thì thôi, đặc biệt những người bệnh nghèo được ông chữa cứu miễn phí. Hẳn thế mà cả cuộc đời làm nghề thầy thuốc, ông vẫn ở trong căn nhà lá tuềnh toàng. Nhưng cái được lớn hơn tất cả là tình cảm của bà con khắp vùng dành cho ông. Cả con nít như bọn tôi đến giờ phiêu dạt khắp nẻo nhưng hình ảnh về ông vẫn còn đọng mãi.
Cơ chế mở cửa, nền y học hiện đại và tây dược, đông dược phát triển mạnh mẽ nhưng hơn hết là nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng gia tăng, nghề thầy thuốc trở nên “hót”. Minh chứng rằng, sinh viên thi vào trường đại học y, dược 3 môn phải đạt từ 27 điểm trở lên, nhiều tỉnh có chính sách “rải thảm” đón bác sỹ về công tác để bảo đảm tiêu chí số bác sỹ/vạn dân. Bác sỹ ra trường dễ dàng tìm việc và có thu nhập khá cao. Chị bạn tôi nhất quyết phải cho đứa con cả thi bằng được vào đại học y, nhưng phải đến năm thứ 2 con chị thi mới đỗ, chị sung sướng như bắt được của báu. Chị gọi điện cho tôi rôm rả bảo, thi y ra trường không phải lo việc, thu nhập lại cao, lúc mình ốm yếu vào bệnh viện thuận lợi, chứ có bệnh vào viện không có người quen thì nhếch nhác lắm.
Tôi hiểu những điều chị bạn mong muốn, bởi thực tế nhiều sinh viên các trường đại học ra trường không có việc làm, thậm chí không ít sinh viên học lên cả thạc sỹ để có cơ hội tìm kiếm việc làm nhưng ra trường vẫn “ế”, đi làm công nhân ở khu công nghiệp không dám khai bằng cấp của mình. Con chị bạn tôi ra trường đã được bệnh viện tỉnh nhận về công tác nhưng lại xin làm ở một phòng khám ở Hà Nội, nghe nói thu nhập một tháng bằng gần nửa năm lương viên chức quèn như tôi. Nghề thầy thuốc thực sự là khát khao của bao người.
Bỗng tôi nhớ đến ông thầy lang ở làng mình năm nào, cả đời làm nghề thầy thuốc nhưng sống đạm bạc cho đến khi trở về với hư không khác hẳn với những thầy lang bây giờ. Nhiều thầy lang đi xe sang, mua nhà lầu ở phố. Trên mạng xã hội, các thầy lang cũng tung quảng cáo chữa đủ các thứ bệnh, nhưng khi người bệnh đến điều trị thì bệnh chả khỏi được, tiền mất tật mang.
Rồi, trong khi ở khắp nơi người ta theo đuổi nghề thầy thuốc thì bỗng ở Hà Nội, hơn 40 y bác sỹ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã “xuống đường” cầu cứu vì không được trả lương, lương không đủ sống, phải đi bán rau ngoài giờ, đi vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Họ muốn bỏ nghề. Không chỉ ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh mà nhiều y, bác sỹ của một số cơ sở y tế ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng muốn bỏ nghề vì thu nhập bị giảm sút, áp lực công việc do bệnh nhân Covid-19 gia tăng.
Y bác sỹ “xuống đường” đòi quyền lợi là chuyện xưa nay hiếm, khiến người ta suy nghĩ về hình ảnh nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Thầy thuốc bây giờ không thể sống đạm bạc, thanh bạch như ông thầy lang quê tôi thuở nào, nhưng có nhất thiết phải tổ chức hoạt động như kiểu “biểu tình” như vậy giữa phố phường hay không? Đã đến lúc cần đánh giá lại cơ chế tự chủ cho các bệnh viện và các cơ sở y tế công lập để thấy rõ những “rạn nứt” trong quan hệ tiền lương, tạo động lực cho thầy thuốc cống hiến, chữa bệnh cứu người. Chỉ khi cái tâm sạch, không còn lo lắng nhiều về tiền bạc thì người thầy thuốc mới thực hiện sứ mệnh “Lương y phải như từ mẫu”.
Gửi phản hồi
In bài viết