Tự hào về những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời khi trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, CCB Nguyễn Thế Liêm bồi hồi nhớ lại: Sáng 30-4, ông may mắn được vào chiến đấu mũi xung kích đánh thẳng vào cổng số 4 và số 5 của sân bay Tân Sơn Nhất. Đến khoảng 11 giờ ngày 30-4, mũi xung kích ôm súng AK tiến công trên đường băng, khi gần đến khu vực tập trung nhiều máy bay của địch thì được lệnh đánh quặt về phía Tây. Ông quan sát xung quanh thấy mấy dãy nhà có một lá cờ nửa xanh nửa đỏ cách đó không xa, ông đoán đó là vị trí Trại Đa Vít. Đây là nơi ở và làm việc của Phái đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên giám sát thi hành Hiệp định Pari, trong đó có đoàn cán bộ chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đơn vị nhận lệnh tiếp tục vận động về hướng Tây sân bay, bảo vệ vòng ngoài phái đoàn quân sự 4 bên.
Khoảng 30 phút sau, tiếng súng ngừng bắn, sân bay Tân Sơn Nhất lúc này tan tác, ngổn ngang. Chiến sỹ của ta tràn khắp nơi. Bóng cờ đỏ sao vàng không chỉ bay trên nóc Dinh Độc Lập mà còn xuất hiện ở đỉnh các tháp nước, trên tay bộ đội ta. Khi nghe tin hòa bình, cả đơn vị xúm lại ôm nhau cười, khóc. Những tiếng reo hò quyện cùng tiếng súng mừng chiến thắng vang trời.
Sau giải phóng, đơn vị ông ở lại sân bay củng cố lực lượng. Một ngày của tháng 5-1975, đơn vị nhận được một số báo chí và tài liệu nói về chiến thắng của ta. Ông đọc tờ báo Quân đội nhân dân viết về ngày chiến thắng, nhìn tấm ảnh in hình bộ đội đánh chiếm sân bay, bỗng mừng run lên vì nhận ra những chiến sỹ đang ôm súng cơ động tiến công trên mặt sân băng lại chính là mũi đột kích của ông và 4 đồng đội.
Rời quân ngũ trở về với đời thường, CCB Nguyễn Thế Liêm nâng niu bức ảnh như “báu vật” đời lính chiến. Bức ảnh sau này trở thành biểu tượng chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời cũng là biểu tượng Chiến thắng mùa Xuân năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đến nay, ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng CCB Nguyễn Thế Liêm vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Hàng năm, ông đều được tổ chức Hội CCB các cấp, trường học mời tham gia các buổi tọa đàm, kể chuyện với vai trò nhân chứng lịch sử. Mỗi lần như vậy, ông Liêm đã kể bằng cảm xúc từ trái tim, để các thế hệ hậu sinh cảm nhận sự tự hào, anh dũng của các lớp cha ông, về một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường, bất khuất.
Theo ông Liêm, được cống hiến tuổi thanh xuân cho chiến trường, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước là niềm tự hào và cũng là hồi ức không thể nào quên với ông.
Gửi phản hồi
In bài viết