Khung cảnh thơ mộng ở Bản Bon, xã Phúc Yên.
Tiềm năng
Mới đây xã Phúc Yên mạnh dạn tổ chức Lễ hội hoa Mộc miên (hoa gạo) và Ngày hội văn hóa ẩm thực các dân tộc thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến dự, trải nghiệm. Các thôn trong xã đều có các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, đặc sản của địa phương.
Đồng chí Chẩu Văn Đệ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã khẳng định, Phúc Yên có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, độ đa dạng sinh học cao. Trong đó nhiều loại cây gỗ quý như đinh, chò chỉ, dổi, đặc biệt có những cây nghiến trên 1.000 năm tuổi ở địa phương đã công nhận là Cây di sản Việt Nam. Các thôn Khau Cau, Nà Khậu, Bản Bon, Phiêng Mơ, Bản Tấng, Bản Thàng đều sống quần tụ dưới các thung lũng với phong tục tập quán giàu bản sắc, bao bọc là những cánh rừng mát mẻ. Nhờ có điều kiện tự nhiên, vùng chăn thả rộng, Phúc Yên có đàn đại gia súc, gia cầm phát triển. Các món được chế biến từ thịt trâu, vịt suối, gà đồi, lợn đen và rau rừng được thực khách ưa thích.
Trong tâm thức người Tày, boóc mạ là hoa của thần, loài hoa được các thầy Tào dùng trong nghi lễ Lẩu Then.
Trên địa bàn xã có một con suối chảy từ các dãy núi xuống, qua các thôn rồi đổ vào hồ thủy điện Tuyên Quang. Suối chảy qua hang Pài Bó, một điểm check-in ưa thích của du khách khi đến địa phương. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã từng dẫn một đoàn các nhiếp ảnh gia của Tuyên Quang đi sáng tác ở xã Phúc Yên, tác nghiệp tại hang Pài Bó.
Đây là một hang núi đá vôi có một dòng suối ngầm chảy qua, rồi lộ thiên bên sườn vách núi đá vôi có kiến tạo đẹp. Những giò phong lan, cây tổ quạ, dương xỉ, dây leo mọc treo leo trên cây gỗ to, sườn núi đá vôi rủ xuống mặt suối càng làm cho phong cảnh thêm lãng mạn, thơ mộng. Ngoài ra xã còn có địa danh “làng chài Phúc Yên” trên lòng hồ sinh thái Lâm Bình với cảnh non nước hữu tình, một điểm du lịch trải nghiệm không thể bỏ qua.
Vài năm trước đây khi đi khảo sát tại xã Phúc Yên, ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Du lịch Năm Sao, chủ homestay Nặm Đíp (Lâm Bình) đã mê mệt phong cảnh, kiến trúc và con người nơi đây. Ông đã bàn với một số hộ dân thôn Bản Bon liên kết phát triển du lịch homestay. Dưới con mắt của một người làm du lịch chuyên nghiệp, ông Doanh đã biết “thổi hồn” vào Bản Bon. Bà con được hướng dẫn chỉnh trang nhà cửa, tạo cảnh quan, chế biến các món ăn mang đặc trưng địa phương. Bước đầu khách được Công ty Du lịch Năm Sao đưa vào Bản Bon trải nghiệm, nhiều người tỏ ra bất ngờ, thích thú.
Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Nông Văn Bình, Trưởng thôn Bản Bon chia sẻ, từ khi có Công ty Du lịch Năm Sao vào liên kết với một số hộ dân phát triển loại hình du lịch homestay, chính quyền và người dân địa phương có bước chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc khai thác tiềm năng như phong cảnh, bản sắc văn hoá sẵn có cho phát triển du lịch. Hướng đi này của xã, nhân dân rất đồng tình ủng hộ, hưởng ứng cao.
Nghiên cứu xây dựng lễ hội hoa Boóc mạ
Qua Lễ hội hoa Mộc miên và Ngày hội Văn hóa ẩm thực các dân tộc xã Phúc Yên năm 2025 du khách phát hiện địa phương “phát lộ” nhiều tiềm năng du lịch mới. Bên cạnh những rừng hoa mộc miên nở đỏ thắm bên thảm rừng nguyên sinh, ven hồ sinh thái, Phúc Yên còn có rất nhiều cây hoa Boóc mạ hay người ta còn gọi là hoa Vàng anh. Mới đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang gợi ý với lãnh đạo xã Phúc Yên nên nghiên cứu phát triển du lịch theo các mùa, gắn với các loài hoa địa phương thành thương hiệu riêng của xã.
Hội thi gà thiến đẹp của xã Phúc Yên độc đáo, ấn tượng.
Một nhà văn người dân tộc thiểu số đã miêu tả loài hoa này như sau: Trong tâm thức người Tày chúng tôi, boóc mạ (có nơi bjóoc mạ) là hoa của thần. Hoa dùng trong lẩu then của các thầy tào, một nghi thức diễn xướng đậm nét tâm linh. Lẩu then chỉ làm vào hai mùa, lẩu then lúa mới làm vào mùa thu khi những hạt lúa chắc mẩy đã có thể hái về làm cốm. Và bươn chiêng, mùa xuân là lẩu then boóc mạ, đương nhiên không thể thiếu những chùm boóc mạ. Những chùm boóc mạ để quanh các thầy tào vẫn vàng ruộm như khi ở trên cành. Phần cuối buổi lễ, boóc mạ được các nàng hương rắc xung quanh các thầy tào, các vị nhập cảnh giới khác rồi lăn lộn trên hoa vàng để tẩy trần.
Boóc mạ là hoa của thần nhưng cũng gắn với những buổi trưa tắm suối của đám trẻ chúng tôi. Dọc các con suối, cây boóc mạ mọc nhiều, có đoạn suối chỉ toàn cây hoa vàng ươm này, ong bướm bay lượn làm cho mùi của hoa phủ cả đoạn suối mát trong. Chị Nguyễn Linh, du khách đến từ Phú Thọ cho rằng, hoa boóc mạ mang dáng dấp của hoa vùng núi, đẹp sặc sỡ mà nguyên sơ. Tôi thấy mùa này ở xã Phúc Yên có quá nhiều cây boóc mạ nở hoa vàng rực của một bản làng, cánh rừng, bờ suối, ven hồ. Cây cao vừa phải, tán rủ xuống, check-in rất đẹp. Lễ hội vừa rồi loài hoa này đã thực sự được phát hiện và lên ngôi.
Chủ tịch UBND xã Phúc Yên Chẩu Văn Đệ chia sẻ, sau ý kiến gợi ý của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xã cho cán bộ đi khảo sát, kiểm kê các khu vực có nhiều cây boóc mạ; tham vấn ý kiến của các cụ cao niên trong xã những thông tin xung quanh cây boóc mạ, như các đặc điểm sinh học, tín ngưỡng, truyền thuyết, cổ tích, thơ, cách nhân giống cây boóc mạ.
Qua khảo sát xã nhận thấy có thể quy hoạch trồng ở những điểm check-in đẹp của xã Phúc Yên, tạo thành những quần thể cây boóc mạ rộng lớn. Xã cũng đang có ý tưởng xây dựng Lễ hội hoa boóc mạ thành thương hiệu riêng có của Phúc Yên gắn với chiếc cọn nước, con suối. Như vậy du lịch Phúc Yên mới được bổ trợ, khai thác tổng thể hài hòa, bền vững, đúng bản sắc, đáp ứng được mong muốn của du khách thập phương.
Gửi phản hồi
In bài viết