Tìm về “cái nôi” kháng chiến
Khu CCXU và UBHCKC Nam Bộ ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh (Long An). Di tích nằm bên dòng kênh Dương Văn Dương huyền thoại. Dòng kênh vốn có tên La-Gơ-Răng, sau khi vị thủ lĩnh xuất thân từ phong trào Bình Xuyên hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truy phong Dương Văn Dương hàm thiếu tướng và lấy tên ông đặt cho con kênh này. Điểm nhấn ở đây là cây cầu sắt hoành tráng bắc qua kênh Dương Văn Dương vào khu căn cứ do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động xây dựng.
Đoàn công tác Báo Tuyên Quang thăm Di tích lịch sử Khu CCXU và UBHCKC Nam bộ.
Đặt chân đến khu di tích, không gian yên bình, xanh mát của những hàng cây cổ thụ bao trùm lên tất cả. Cổng chào uy nghiêm với dòng chữ “Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ” như một lời khẳng định về giá trị lịch sử trường tồn của nơi đây. Bước qua cánh cổng, một quần thể di tích hiện ra trước mắt, gian nhà trưng bày quá trình hoạt động phong trào kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ; nhà ở và làm việc của các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Bạch và Trần Văn Trà, Văn phòng UBHCKCNB, Nhà in Nam Bộ và Phòng bào chế y dược… Tất cả đều được bảo tồn và tôn tạo một cách cẩn thận, gợi nhớ về một thời kỳ cách mạng đầy gian khó.
Đón tiếp đoàn chúng tôi, chị Lê Thị Hồng Diễm, Trưởng Ban quản lý Khu CCXU và UBHCKC Nam bộ đã dẫn chúng tôi đi tham quan từng khu vực, kể lại những câu chuyện lịch sử đầy xúc động.
Ngược dòng thời gian, trở về những năm tháng kháng chiến ác liệt, chị Diễm kể: “Ngay trong ngày lễ Độc lập 2-9-1945 ở Sài Gòn, thực dân Pháp đã gây hấn, lộ rõ dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Không cam chịu làm nô lệ, nhân dân Nam Bộ đã đứng lên làm cuộc kháng chiến mùa thu, mở đầu 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vùng Đồng Tháp mười heo hút, hoang vu được chọn làm “thủ đô kháng chiến” của Nam bộ.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng khốc liệt, giữa năm 1946 Xứ ủy Nam Bộ và UBHCKC Nam Bộ chuyển về vùng Đồng Tháp Mười, đóng trên 2 bờ kênh Dương Văn Dương thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Ngoài Xứ ủy Nam Bộ và UBHCKCNB, hầu hết các cơ quan kháng chiến cũng dời về đây, như: Sở Công an Nam Bộ, Sở Thông tin Nam Bộ, Sở Y tế Nam Bộ, Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ, Khu bộ Khu 8... Đồng Tháp Mười trở thành “thủ đô” kháng chiến, “Việt Bắc” của miền Nam. Các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà, Nguyễn Đức Thuận,… từng sống và làm việc tại đây. Trung tướng Nguyễn Bình theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chiến khu Đông Triều - Hải Phòng vào Nam thống nhất các lực lượng vũ trang kháng Pháp cũng đặt bản doanh tại đây.
Nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, như: Đại hội Đại biểu Xứ ủy toàn Nam bộ; Đài phát thanh Nam bộ phát buổi đầu tiên; tờ giấy bạc Cụ Hồ được in để phục vụ kháng chiến; bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng ra đời;… Nhiều chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307 gắn liền với vùng đất này. Đặc biệt, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn đã sống, làm việc nơi đây, tại nhà ông Nguyễn Văn Siêu và nhà má Tám ở xã Nhơn Hòa Lập, để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Các cơ quan Nam Bộ và Khu 8 được nhân dân nhường nhà ở, nhường nền nhà để cất cơ quan. Nhân dân đã cung cấp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hàng trăm bộ lư, mâm thau, nồi đồng ủng hộ cho binh công xưởng sản xuất vũ khí… Vùng Đồng Tháp Mười đã chứng kiến nhiều cuộc “so găng” nảy lửa giữa lực lượng kháng chiến và quân Pháp xâm lược”.
Những vật dụng sử dụng trong kháng chiến và sinh hoạt tại Đồng Tháp Mười.
“Việt Bắc" của miền Nam
Chúng tôi không khỏi bồi hồi khi được tận mắt chứng kiến những nếp nhà đơn sơ, nơi từng là nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ: Lê Duẩn, Phạm Văn Bạch và Trần Văn Trà. Những căn nhà gỗ vách đất giản dị với những vật dụng cá nhân mộc mạc đã khắc họa rõ nét một thời kỳ gian khổ nhưng đầy ý chí cách mạng. Hình dung về những đêm khuya các đồng chí vẫn miệt mài bên trang tài liệu, vạch định những đường lối kháng chiến quan trọng, tôi càng thêm kính phục sự tận tâm, hy sinh vì nước, vì dân của các vị lãnh đạo.
Văn phòng UBHCKCNB hiện ra trước mắt, tuy nhỏ bé nhưng tại đây, những quyết sách lịch sử đã được đưa ra, góp phần định hướng và dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi cuối cùng. Những căn nhà gỗ đơn sơ, những vật dụng cá nhân giản dị đã cho thấy sự thanh bạch, gần gũi với nhân dân của những người con ưu tú của dân tộc. Chính sự gắn bó mật thiết với nhân dân đã tạo nên sức mạnh to lớn, giúp cách mạng miền Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Một trong những điểm dừng chân khiến tôi và thành viên trong đoàn không khỏi xúc động chính là nơi đặt Đài Phát thanh Nam Bộ. Chị Diễm kể rằng, giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, tiếng nói của Đài Phát thanh Nam Bộ đã cất lên, trở thành ngọn lửa tinh thần, cổ vũ đồng bào miền Nam kiên cường chiến đấu. Chính từ nơi đây, những thông tin về tình hình kháng chiến, những chủ trương, đường lối của Đảng đã được truyền đi khắp các chiến khu, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta.
Chúng tôi được chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử vô giá, trong đó có tờ giấy bạc Cụ Hồ. Chị Diễm giải thích rằng, trong những năm tháng kháng chiến đầy khó khăn về kinh tế, việc phát hành tờ giấy bạc mang hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị về mặt tài chính mà còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn, thể hiện niềm tin tuyệt đối của nhân dân miền Nam đối với lãnh tụ kính yêu.
Một dấu ấn đặc biệt khác tại khu di tích chính là nơi ra đời bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các nhà làm phim cách mạng đã không quản ngại gian khổ, nguy hiểm, ghi lại những thước phim chân thực về cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta. Bộ phim tài liệu đầu tiên ấy đã trở thành một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng cho nhân dân. Nghe câu chuyện này, tôi càng thêm khâm phục sự sáng tạo và tinh thần lạc quan cách mạng của những người làm văn hóa, nghệ thuật trong khói lửa chiến tranh.
Trong suốt chuyến tham quan, chị Diễm luôn nhắc đến việc nơi đây được ví như “Việt Bắc của miền Nam”. Cũng giống như Việt Bắc ở miền Bắc, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ đã trở thành “cái nôi” của cách mạng miền Nam, là nơi nuôi dưỡng và phát triển lực lượng cách mạng, là nơi hoạch định những chiến lược quan trọng. Nơi đây không chỉ là một địa điểm lịch sử mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và khát vọng độc lập, tự do của nhân dân miền Nam.
Hành trình về “Việt Bắc miền Nam” khép lại nhưng những cảm xúc và suy ngẫm về một thời kỳ lịch sử oanh liệt sẽ còn mãi. Nơi đây, hồn thiêng sông núi vẫn nhắc nhở chúng ta về giá trị của độc lập, tự do và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết